Kinh tế

Mở rộng thị trường khách du lịch

08:05, 07/11/2016 (GMT+7)

Với mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch vào năm 2020, ngành du lịch Đà Nẵng đang tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch từ những thị trường khách tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc…, các quốc gia Tây Âu, Trung Đông, Nga, Đông Âu… và thị trường khách nội địa.

Công tác xúc tiến, quảng bá phải giới thiệu được với khách những sản phẩm đặc trưng nhất của địa phương để tạo được dấu ấn, sức hút. Trong ảnh: Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016.
Công tác xúc tiến, quảng bá phải giới thiệu được với khách những sản phẩm đặc trưng nhất của địa phương để tạo được dấu ấn, sức hút. Trong ảnh: Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016.

Xúc tiến phải quảng bá được sản phẩm

Đại diện Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, ngành du lịch thành phố liên tục tổ chức các chương trình hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng đến các thị trường trong nước như các chương trình roadshow tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cần Thơ, Hải Phòng, các hội chợ thương mại – du lịch quốc tế tại các địa phương trong cả nước. Cùng với công tác quảng bá và phát triển thị trường trong nước, Sở Du lịch cũng tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến tại một số thị trường ở nước ngoài như tại Hội chợ Năm du lịch quốc gia Lào, Hội chợ Leisure Nga, ITE Hong Kong, CITM Thượng Hải, triển lãm Style Ma Cao, Jata Nhật Bản, IT&CMA Thái Lan…

Theo ông Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Công ty Havi Travel, khi tiến hành các hoạt động xúc tiến phải xác định rõ việc tìm kiếm thị trường mới là điều cần thiết của các công ty du lịch, địa phương phát triển du lịch. Nhưng bên cạnh đó cũng phải giữ gìn, chăm sóc tốt những thị trường khai thác lâu năm. Làm công tác xúc tiến tức là phải quảng bá, giới thiệu được với khách những sản phẩm đang có và đang phục vụ khách tốt nhất.

Công tác xúc tiến càng mạnh thì càng đem lại hiệu quả cao và nên mở rộng các kênh thông tin quảng bá, nhất là những kênh có nhiều đối tượng quan tâm. “Những người xây dựng chiến lược du lịch cũng phải thường xuyên tạo ra những sản phẩm du lịch mới như trước đây Đà Nẵng đã từng làm, chúng ta đã tạo ra được thành phố của lễ hội pháo hoa, của các sự kiện, lễ hội… Phải có sự độc đáo và khác biệt trong các sản phẩm.”, ông Hoàng đề xuất.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours Lê Tấn Thanh Tùng cho rằng, để thu hút khách quốc tế, cụ thể như Nhật Bản là một thị trường rất tiềm năng, cần có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các khu du lịch nghỉ dưỡng cho người Nhật lớn tuổi; cần có hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động quảng bá ở nước ngoài như chi phí chung các gian hàng, roadshow, hội thảo…; giảm thiểu các chi phí cho các đơn vị tham gia quảng bá…

Đẩy mạnh hợp tác liên kết, phát triển du lịch

Từng tham gia rất nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc các doanh nghiệp du lịch cùng nhau tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trong nước cũng như quốc tế sẽ giúp cho chi phí quảng bá thấp hơn và tính lan tỏa sẽ cao hơn. “Ngành du lịch thành phố đã có những cố gắng trong việc triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, nhưng để lan tỏa nhiều hơn nữa cần làm chuyên nghiệp hơn, có sự nghiên cứu, tìm hiểu về công cụ quảng bá, xu thế của quảng bá thương hiệu hiện nay để chọn các phương án quảng bá có hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất”, ông Vinh nhận xét.

Theo đại diện Sở Du lịch thành phố, để mở rộng thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách quốc tế, ngành du lịch xác định phải làm tốt công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường để xác định đối tượng khách chủ lực của Đà Nẵng nhằm có hướng đầu tư, khai thác thích hợp. Bên cạnh những thị trường truyền thống cũng tính đến mở rộng các thị trường mới và chú trọng thu hút thị trường khách nghỉ dưỡng và du lịch M.I.C.E.

Thời gian qua, Sở Du lịch phối hợp khai thác năng lực các tổ chức nghiên cứu và phát triển về du lịch, đẩy mạnh các mối quan hệ, hợp tác quốc tế với các tổ chức phát triển du lịch của EU, PUM, Exchange, TPO và văn phòng đại diện du lịch các nước như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… tại Việt Nam; thành lập văn phòng đại diện Đà Nẵng tại một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… để phối hợp quảng bá xúc tiến du lịch; phát huy văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản để quảng bá du lịch thành phố.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng du lịch trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên, tiếp tục liên kết có hiệu quả với các địa phương như Hà Nội, Quảng Bình, Hải Phòng, Cần Thơ, Lâm Đồng… cũng như xúc tiến thêm các đường bay mới để thuận tiện trong việc đi lại của du khách.

Bài và ảnh: Thu Hà

.