Kinh tế

Ngăn chặn bán hàng đa cấp biến tướng

08:14, 23/12/2016 (GMT+7)

Lợi dụng kẽ hở từ chính sách kinh doanh, các công ty đã lôi kéo nhiều người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (BHĐC) phạm pháp. Để ngăn chặn và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất chính trên địa bàn Đà Nẵng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả.

Các mặt hàng kinh doanh đa cấp hiện nay rất đa dạng, trong đó thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm chiếm  phần lớn.
Các mặt hàng kinh doanh đa cấp hiện nay rất đa dạng, trong đó thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm chiếm phần lớn.

Theo Sở Công thương, đến nay, có hơn 30 doanh nghiệp BHĐC thông báo hoạt động tại địa bàn Đà Nẵng, trong đó có 2 đơn vị là Liên kết Việt và Tâm Ích Mỹ đã bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thông báo dừng hoạt động. Ngay sau khi có nhiều khiếu nại, phản ánh của người dân về việc họ đóng tiền tham gia các công ty này đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, cơ quan điều tra đã vào cuộc làm rõ.

Theo chia sẻ của cán bộ QLTT trực tiếp theo dõi lĩnh vực này, khi tiến hành kiểm tra, phần lớn cá nhân và điểm hoạt động đa cấp đều không xuất trình được giấy phép đăng ký rõ ràng, chỉ hoạt động tự phát đơn lẻ, rất khó nắm bắt cụ thể nội dung kinh doanh.

Nhiều đơn vị kinh doanh đa cấp trên địa bàn hoạt động khá phức tạp, có biểu hiện tiêu cực, dụ dỗ người tham gia các phương án kinh doanh không minh bạch, lợi dụng lòng tham và quan niệm “làm giàu nhanh” để trục lợi trong kinh doanh đa cấp.

Một số công ty đã bị các cơ quan chức năng đặt nghi vấn và yêu cầu phải giám sát hoạt động. Qua số liệu cho thấy, riêng mạng lưới kinh doanh Liên kết Việt tại Đà Nẵng, có hàng nghìn người tham gia kinh doanh, trong đó khoảng 50% là người ở các tỉnh lân cận.

Trong năm qua, Chi cục QLTT Đà Nẵng được giao nhiệm vụ mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, BHĐC trên địa bàn. Thực hiện Kế hoạch số 137/KH-QLTT về kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp từ ngày 11-3 đến ngày 20-4, QLTT đã kiểm tra 13 đơn vị, trong đó 7 đơn vị vi phạm, xử phạt hơn 126 triệu đồng với các hành vi chủ yếu là không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh trong lĩnh vực BHĐC.

Cũng trong tháng 4-2016, Chi cục đã kiểm tra 4 đơn vị BHĐC trên địa bàn thành phố, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính 3 đơn vị gồm: chi nhánh Công ty CP Everrishs, cơ sở Hoàng Gia Phúc, chi nhánh Công ty TNHH Elken International Việt Nam; xử phạt 92,5 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là kinh doanh hàng hóa chưa đăng ký hoạt động BHĐC, vi phạm về nhãn hàng hóa.

Đến tháng 5-2016, Chi cục tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tuyên truyền pháp luật về BHĐC với sự tham dự của đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương; các sở, ngành liên quan và hơn 50 doanh nghiệp, chi nhánh, đại lý ký gửi hoạt động, kinh doanh liên quan trong lĩnh vực BHĐC.

Tại đây, các văn bản, quy định của pháp luật liên quan đến BHĐC, trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia BHĐC theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC cũng như các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giới thiệu cụ thể. Đây là năm đầu tiên Chi cục QLTT Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền với quy mô đông đảo các doanh nghiệp hoạt động BHĐC tại Đà Nẵng và cả nước tham gia.  

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương nhìn nhận: “Hình thức kinh doanh đa cấp phổ biến tại Đà Nẵng là sử dụng chính các hộ kinh doanh cá thể để tập kết hàng hóa, đưa sản phẩm bán lẻ vào tận gia đình người dùng, không có dấu hiệu tồn trữ hàng hóa số lượng lớn nên rất khó phát hiện và không đủ cơ sở đề nghị xử lý vi phạm. 

Vì vậy, Sở Công thương chỉ đạo Chi cục QLTT tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý và ngăn chặn kịp thời các đơn vị kinh doanh đa cấp biến tướng”. Chi cục đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất và định kỳ các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo của các doanh nghiệp BHĐC hoặc do người tham gia BHĐC tổ chức; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, để tìm hiểu và nắm rõ hơn các phương thức hoạt động và có bằng chứng xử lý sai phạm, nhiều kiểm soát viên thị trường tìm cách tiếp cận các buổi gặp gỡ khách hàng do các công ty đa cấp tổ chức. Qua nhiều đợt thâm nhập, chủ động tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp BHĐC, cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm tại một số công ty.

Trong quá trình thu thập thông tin, lực lượng Chi cục đã sáng tạo, linh hoạt bám địa bàn, đấu tranh bằng mọi biện pháp để có bằng chứng xác thực xử phạt vi phạm. Lúc đó, kiểm soát viên phải đối mặt với sự hằn học của các đối tượng tổ chức mạng lưới đa cấp bất chính khi “vai diễn” bị phát hiện.

Đây là nỗ lực rất lớn về nghiệp vụ của đội ngũ thanh tra, kiểm soát viên QLTT Đà Nẵng đối với lĩnh vực quản lý hoạt động BHĐC gây nhiều tai tiếng trong thời gian gần đây. Trước tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của cơ quan chức năng, nhiều công ty BHĐC trên địa bàn buộc phải thừa nhận sai phạm và hợp tác với cơ quan chức năng. Những kết quả đạt được đã góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, đưa hoạt động BHĐC tuân thủ theo khuôn khổ của pháp luật Việt Nam.

Năm 2016, Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra 19 đơn vị hoạt động bán hàng đa cấp và xử phạt 13 đơn vị vi phạm với tổng số tiền thu xử phạt 560 triệu đồng. Các sai phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Nguồn: Chi cục Quản lý thị trường thành phố

Bài và ảnh: DIỆP NHƯ

.