.

Ngoại giao kinh tế: Tạo đột phá hợp tác đầu tư

.

Những năm qua, công tác ngoại giao kinh tế Đà Nẵng đạt nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của thành phố ngày càng mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu. Ngoài các đối tác truyền thống, Đà Nẵng đã phát triển và duy trì quan hệ với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ mới. Hiện Đà Nẵng có 341 dự án đầu tư đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ với 65 thỏa thuận được ký kết.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp Nhật Bản.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp Nhật Bản.

Tính đến cuối tháng 11-2016, lãnh đạo thành phố đã tiếp và làm việc với 75 đoàn khách quốc tế. Thành phố cũng đã cử nhiều đoàn đi xúc tiến, kêu gọi đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu...; đồng thời tổ chức các sự kiện ngoại giao, văn hóa như: lễ hội hoa anh đào 2016, lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật 2016, lễ hội Việt - Hàn; đặc biệt là chuyến thăm và làm việc với các tỉnh Nam Lào vừa qua của lãnh đạo thành phố.

Bên cạnh đó, công tác phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố với các địa phương, tổ chức trên thế giới và công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường như xúc tiến hợp tác Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu môi trường Hàn Quốc (KEI), chủ trương ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Hiệp hội Giám đốc các trường đại học kỹ thuật Pháp (ASSODIUT)...

Lãnh đạo Sở Ngoại vụ cho biết, công tác ngoại giao kinh tế luôn được Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, chú trọng; kết hợp hài hòa cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế để thực hiện hiệu quả chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới.

Điểm nhấn trong công tác ngoại giao kinh tế của thành phố trong thời gian qua là việc định hướng phát triển đa dạng các hình thức lan tỏa, quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đà Nẵng không chỉ được biết đến là nơi có vị trí địa kinh tế, địa chính trị và vai trò quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, trung tâm khu vực miền Trung, mà còn là một trong những thành phố có sự phát triển nhanh và thân thiện môi trường.

Hoạt động ngoại giao kinh tế góp phần vào kết quả vận động thu hút và xúc tiến các dự án ODA. Đến nay, thành phố có 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA do thành phố quản lý với tổng vốn đầu tư trên 390 triệu USD...

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Thanh cho biết, hiện nay, Đà Nẵng đang tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương và nhà tài trợ để xúc tiến chủ trương đầu tư và vận động tài trợ ODA cho các dự án quan trọng, chiến lược như: Dự án cải thiện môi trường nước, cải thiện hạ tầng giao thông thành phố, xây dựng cảng Liên Chiểu, xây dựng Nhà máy Nước Hòa Liên, di dời Ga đường sắt và tái thiết phát triển đô thị. Năm 2016, thành phố đã phê duyệt 71 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng giá trị cam kết trên 161 tỷ đồng.

Những nỗ lực trong hoạt động kinh tế đối ngoại thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa phương. Bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, trong giai đoạn 1997-2006, công tác đối ngoại của thành phố tập trung vào ngoại giao kinh tế. Từ năm 2011 đến nay, đối ngoại Đà Nẵng được mở rộng trên cả ba trụ cột là: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và phát huy cả ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Đặc biệt, thành phố chú trọng phát triển ngoại giao văn hóa với nhiều hoạt động sôi nổi hơn, đa dạng hơn vì đây được xem là “sức mạnh mềm” giúp kết nối Đà Nẵng với bạn bè quốc tế hiệu quả và bền vững. Ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa có liên quan mật thiết và bổ trợ cho nhau, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, với mục tiêu cơ bản thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường phát triển du lịch.

Để góp phần tận dụng những cơ hội mới, trong thời gian tới, hoạt động ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục tạo dựng và khai thác tối đa, hiệu quả các mối quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước để tạo những đột phá trong hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục…, đặc biệt là những dự án lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng, dịch vụ... Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp là một trọng tâm.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.