Kinh tế

Quản lý chặt hướng dẫn viên

07:49, 26/12/2016 (GMT+7)

Sự thiếu hụt hướng dẫn viên (HDV) một số thị trường có đông khách đến Đà Nẵng là vấn đề đang được đặt ra. Trước tình hình đó, việc siết chặt quản lý trong hoạt động du lịch, trong đó có đội ngũ HDV là rất cần thiết để bảo đảm môi trường du lịch phát triển bền vững.

Hướng dẫn viên (bìa trái) hướng dẫn khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Hướng dẫn viên (bìa trái) hướng dẫn khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Thiếu HDV tiếng hiếm

Theo Sở Du lịch, hiện Đà Nẵng có 2.598 HDV, trong đó có 1.047 HDV nội địa và 1.551 HDV quốc tế. Đà Nẵng đứng thứ 3 về số lượng HDV cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh (4.975 HDV) và Hà Nội (4.236 HDV). Nhìn con số, lực lượng HDV có khả năng đáp ứng đủ các thị trường nội địa, các nước nói tiếng Anh, Pháp, Nhật. Tuy nhiên, một số thị trường như Hàn Quốc, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Lào… thiếu HDV; một số thị trường thiếu trầm trọng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, không thể phủ nhận sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ HDV du lịch trên địa bàn thành phố cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng do đặc thù và sự tăng trưởng đột biến của một số nguồn khách nên trong ngắn hạn Đà Nẵng vẫn thiếu HDV một số thị trường.

Thực tế, trong số 1.551 HDV quốc tế, đa phần là HDV tiếng Anh, số HDV nói các ngôn ngữ khác rất ít, hoặc có nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Điển hình như thị trường Hàn Quốc, Sở Du lịch đã cấp 30 thẻ HDV, trong đó có 15 người hướng dẫn thường xuyên.

Ngoài ra còn có 33 người là lao động về từ Hàn Quốc và sinh viên tham gia hướng dẫn tạm thời. Trong khi đó, mỗi tháng thành phố đón khoảng 35.000 - 37.000 lượt khách Hàn Quốc, trung bình cần khoảng 311 HDV để phục vụ lượng khách này. Như vậy, số HDV hiện có không thể đáp ứng kịp nhu cầu của du khách khi đến Đà Nẵng. Hay như lượng HDV tiếng Đức hiện nay chủ yếu là các HDV đã lớn tuổi. Trong tương lai, lượng HDV tiếng Đức trẻ tuổi để thay thế sẽ khan hiếm và không đủ để đáp ứng nhu cầu do số lượng sinh viên học ngôn ngữ Đức rất ít.

Trong các thị trường khách đến Đà Nẵng, lượng khách Tây Ban Nha đến Đà Nẵng cũng ngày càng tăng, đặc biệt cao điểm vào tháng 8 hằng năm. Cả nước hiện có hơn 200 HDV tiếng Tây Ban Nha nhưng tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên các đơn vị lữ hành tại Đà Nẵng khi có khách phải xin phép để sinh viên du học và người lao động ở nước ngoài về biết tiếng Tây Ban Nha đi hướng dẫn tạm thời cho khách. Với một số ngôn ngữ khác như Indonesia, Lào, Đức, Ý, Tây Ban Nha…, khu vực Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung không có trường đại học đào tạo nên khó có nguồn nhân lực.

Trong lúc đó, đội ngũ HDV vẫn còn những tồn tại, hạn chế như yếu về nghiệp vụ; thiếu kiến thức về lịch sử, văn hóa… Công tác đào tạo cũng như các tiêu chuẩn cấp thẻ hành nghề HDV chưa phù hợp thực tế, tạo cơ hội cho những cá nhân không qua đào tạo chính quy về du lịch cũng có thể làm HDV, dẫn đến số lượng HDV ngày càng tăng, đại trà về số lượng nhưng thiếu và yếu về chất lượng.

Cần lựa chọn, sàng lọc HDV

Ông Cao Trí Dũng cho rằng, HDV cũng là một loại hình dịch vụ, để có một HDV giỏi, cần quá trình rèn luyện và đào tạo lâu dài. Do đó, việc lựa chọn và sàng lọc HDV là cần thiết và các đơn vị lữ hành nên hướng đến việc sử dụng những HDV có đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay lực lượng HDV đa phần không chịu sự quản lý của một đơn vị, cơ quan, tổ chức nào. Sở Du lịch chịu trách nhiệm cấp thẻ, câu lạc bộ hướng dẫn chỉ là nơi sinh hoạt nghiệp vụ (nếu thấy cần thiết), các doanh nghiệp chỉ là nơi sử dụng theo từng đoàn, HDV chủ yếu là tự do, rất ít HDV có bảo hiểm xã hội. Như vậy, rất khó có thể triển khai các hoạt động đào tạo cũng như các giám sát chế tài cần thiết.

Đây chính là vấn đề lớn nhất trong quản lý HDV hiện nay. “Để khắc phục tình trạng này, nên đưa HDV về các doanh nghiệp, một HDV có thể đi dẫn cho nhiều đơn vị nhưng nhất định phải do một doanh nghiệp quản lý và đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm liên tục đào tạo HDV và đề xuất cấp thẻ hay rút thẻ của HDV. Có như vậy mới có thể quản lý tốt HDV và giải quyết triệt để vấn đề”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

.