Kinh tế
Người dân chưa mặn mà với xe buýt trợ giá
Sau khi khai trương và đưa vào vận hành hơn một tháng 5 tuyến xe buýt trợ giá, với 61 xe buýt được đầu tư mới, trang bị hiện đại nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đô thị, hầu hết các chuyến xe buýt có rất ít người sử dụng, thậm chí có chuyến không có khách.
Tuyến xe buýt Phạm Hùng - Thọ Quang ít người sử dụng. |
Như thường lệ, cứ đúng 5 giờ sáng, tất cả các tuyến xe buýt đều khởi hành. Tài xế cho xe chạy chậm rãi qua các tuyến phố cố định. Thỉnh thoảng mới có một vài hành khách lên xe. Cả tháng như vậy, 5 tuyến xe buýt được UBND thành phố trợ giá rất vắng khách.
Không ít tuyến chỉ có lái xe và người bán vé. Bà Trần Thị Châu (quận Thanh Khê), hành khách đi trên xe buýt cho biết: “Lâu nay, tôi thường đi xe máy đến chợ, nhưng nay có tuyến xe buýt chạy ngang qua nên đi xe buýt cho khỏe. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít người đi. Lên xe, tôi thấy chỉ có một vài người, còn rất nhiều ghế trống...”.
Thống kê của ngành Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho thấy, sau 1 tháng hoạt động, trung bình mỗi ngày 1 tuyến xe buýt cao nhất cũng chỉ đón được 6 hành khách. Nhiều tuyến không đón được khách. Nguyên nhân do khu vực nội thành Đà Nẵng bán kính chỉ từ 5-7km nên nhu cầu đi lại bằng xe buýt không cao.
Trong khi đó, 5 tuyến xe buýt trợ giá đang hoạt động lại không đi qua một số địa điểm người dân có nhu cầu cao như các trường đại học, bến xe, nhà ga, sân bay... Ông Võ Ngọc Hiếu (quận Hải Châu) cho rằng, nên mở rộng các tuyến ra khu vực ngoại ô để những lao động nghèo, người buôn bán nhỏ được đi các tuyến xe buýt trợ giá, đỡ tốn kém đi lại.
Ông Hiếu cũng nói rằng, vì cung đường ngắn quá, từ đường Phạm Hùng về nội thành hơn 6km nên người dân đi xe máy cho nhanh và thuận tiện hơn.
Theo lãnh đạo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng - đơn vị quản lý hoạt động của các tuyến xe buýt trợ giá, để khuyến khích người dân làm quen và sử dụng 5 tuyến xe buýt mới này, UBND thành phố miễn phí đối với tất cả hành khách đi trên 5 tuyến xe buýt trong vòng 1 tháng kể từ ngày khai trương (10-12-2016).
Từ ngày 10-1-2017, Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1, đơn vị trúng thầu vận hành 5 tuyến buýt trợ giá tổ chức bán vé. Thực tế mấy ngày qua cho thấy, việc tổ chức bán vé càng làm hành khách ít có hứng thú với loại phương tiện này.
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu và vận tải công cộng cho rằng, với 61 xe buýt tiêu chuẩn B40 được đầu tư mới, trang bị hệ thống điều hòa, kiểm soát vé, niêm yết rõ ràng các thông tin về tuyến, cùng với chính sách trợ giá của thành phố, chính sách miễn phí ưu tiên các đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, hộ nghèo..., thành phố Đà Nẵng kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, thời gian đầu có thể người dân chưa quen với phương tiện xe buýt một phần do cách bố trí các tuyến chưa hợp lý.
Theo anh Nguyễn Sơn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), một trong những nguyên nhân người dân chưa mặn mà với dịch vụ xe buýt trợ giá do có nhiều người chưa biết các tuyến này. Mặc dù các cơ quan chức năng đã phát tờ rơi tuyên truyền, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đăng tải thông tin… nhưng rất ít người tiếp cận được.
Để hệ thống xe buýt hoạt động hiệu quả, thành phố cần phát triển thêm nhiều tuyến bao phủ khắp nội thành. Như vậy, người dân muốn đi đâu cũng có thể đi bằng xe buýt. Đồng thời, cần cải thiện tốt hơn dịch vụ xe buýt, đừng để người dân nghĩ về xe buýt là nghĩ đến các tệ nạn móc túi, trộm cắp trên xe; tài xế, phụ xe lấy thêm tiền của hành khách...
Anh Nguyễn Văn Hùng (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho biết: “Tôi cũng từng đi làm bằng xe buýt và kết quả là bị muộn giờ gần nửa giờ đồng hồ vì trên đường đi có nhiều phương tiện qua lại làm xe buýt chạy chậm”.
Theo đề án quy hoạch được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, đến năm 2030, hệ thống xe buýt của Đà Nẵng bao phủ toàn thành phố. Trước mắt, giai đoạn 2015-2020, thành phố mở 5 tuyến vận tải hành khách công cộng theo hình thức xe buýt nhanh và 14 tuyến xe buýt thường.
Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư 58 xe buýt nhanh và hơn 210 xe buýt thường. Việc triển khai xe buýt trợ giá lần này nhằm khuyến khích, tạo thói quen đối với người dân sử dụng. Thế nhưng, qua hơn 1 tháng hoạt động có rất ít người tham gia. Vì vậy, ngành chức năng cần nghiên cứu phương án phù hợp để thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN