.

Kinh tế

Thực hiện đề án giảm nghèo

Vượt lên chính mình

14:16, 02/02/2017 (GMT+7)

Mất đi một cánh tay, tưởng chừng khó khăn chồng chất sẽ làm nhụt chí nhưng bằng nỗ lực không mệt mỏi, chị Trịnh Thị Ngân (49 tuổi, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) không chỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời mình mà còn giúp nhiều người cùng cảnh ngộ có việc làm.

Chị Trịnh Thị Ngân hướng dẫn người khuyết tật may gia công bao bì.
Chị Trịnh Thị Ngân hướng dẫn người khuyết tật may gia công bao bì.

Năm 1971, một viên đạn lạc khiến cánh tay của cô bé hiếu động Trịnh Thị Ngân trở nên tàn phế. Nhìn ba mẹ lo toan vất vả, Ngân nghĩ phải đứng dậy và làm việc có ích giúp đỡ gia đình. Vậy là một buổi đi học, một buổi Ngân phụ giúp mẹ tráng mì Quảng kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Dù học rất giỏi nhưng tốt nghiệp lớp 12, chị cũng đành gác lại ước mơ vào giảng đường vì vấn đề sức khỏe. Rồi chị nhận dán bao bì và vay tiền mua máy may về may gia công. Làm những công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay trong khi chị Ngân chỉ còn một cánh tay, thế nên chị phải vận dụng cả đôi chân để làm việc thật nhanh, đáp ứng đúng yêu cầu đơn hàng.

Cảm phục nghị lực của cô gái tật nguyền, một giám đốc nhà máy nhựa ở đường Trần Cao Vân đã tạo điều kiện để Ngân được mua lại bao phế phẩm về may. Thời gian rảnh, chị nhận dán thêm bao đựng đường, đậu, bán cho các tiểu thương ở chợ. Nhờ đó, chị có điều kiện phụ giúp mẹ nuôi hai em trai ăn học. Chị Ngân thổ lộ, với chị, sự nhọc nhằn mưu sinh không khó bằng việc phải đối diện với chính mình và vượt qua bi quan, mặc cảm.

Không chỉ chăm lo làm việc, chị Ngân còn hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật (NKT) quận Thanh khê. Thấu hiểu hoàn cảnh của những NKT, chị luôn trăn trở phải làm điều gì đó giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Nghĩ là làm, chị Ngân đứng ra kết nối và trở thành tình nguyện viên của Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi thành phố để giới thiệu nhiều bạn khuyết tật vào học các lớp may, vi tính do Hội tổ chức.

Để giải quyết đầu ra cho lao động sau đào tạo nghề, chị Ngân đề xuất với Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi thành phố tổ chức may gia công ngay tại Hội. Công ty TNHH may Tâm Ánh Minh trực thuộc Hội, do chị Ngân đảm trách cũng được thành lập từ ý tưởng đó.

Sản phẩm của các bạn khuyết tật được Công ty CP Ô-tô Trường Hải ký hợp đồng bao tiêu. Hiện nay, mỗi tháng tổ may này đảm nhận 2 tấn hàng. Chị Ngân còn tìm thêm đơn hàng từ các đơn vị khác như: Công ty CP Vinafor Đà Nẵng, Công ty TNHH đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn…, mang lại thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.