Kinh tế
Đầu tư công nghệ trồng hoa cao cấp
Diện tích trồng hoa của huyện Hòa Vang tăng từ gần 182ha năm 2015 lên hơn 195ha trong năm 2016, cung cấp ra thị trường nhiều loại như: phong lan, cúc, đồng tiền, lá trang trí... Không dừng lại với những vùng trồng hoa truyền thống, sắp tới ngành nông nghiệp Hòa Vang sẽ đầu tư cây giống, công nghệ để trồng các giống hoa cao cấp, có giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng hoa chậu của bà Nguyễn Thị Cư ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu. |
Hình thành cách đây 15 năm, vùng trồng hoa thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, ban đầu chỉ có vài nông dân làm quen với cây hoa cúc, nay có 23 hộ chuyên trồng hoa trên diện tích 3,5ha. Với hệ thống đường điện, giếng khoan nước phủ gần rộng khắp, làng hoa Dương Sơn đang ngày càng tập trung, chuyên nghiệp, cung cấp ra thị trường hàng vạn cây hoa cúc vàng hòe (cúc cúng), phong lan cắt cành, hướng dương, mãn đình hồng, cúc đại đóa...
Khi bà con đồng loạt xuống giống các loại hoa trồng chậu để chưng Tết, diện tích hoa cúc vàng hòe trồng vườn giảm hẳn xuống. Lúc đó, giá loại hoa cúng này có nhỉnh hơn một ít, còn bình thường trong năm thì giá thấp, lời lãi không bao nhiêu.
Thời điểm Rằm tháng 7 cũng vậy, bà con ít xuống giống thì giá hoa có tăng, còn không thì chỉ đủ hòa vốn, nhất là khi thương lái vẫn đang quyết định giá cả. “Bà con đều nhận ra điều đó nhưng có hơn 10 hộ ở đây vẫn bám vào trồng cúc cúng”, một nông dân cho biết. Hiện nay nhiều hộ bắt đầu chuyển sang trồng hoa hướng dương cắt cành, được giá hơn dù đầu ra còn khá bấp bênh do chưa có nơi thu mua thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Cư và con trai có 3 sào đất trồng hoa ở Dương Sơn. Hơn một năm qua bà vẫn giữ chừng một sào đất vườn trồng cúc vàng hòe, còn lại thì đầu tư trồng các loại hoa chậu dùng để chưng như: dạ yến thảo, anh thảo, pensée...
Bà bảo trồng hoa chậu có giá trị hơn hẳn trồng hoa cúc cúng, tuy thời gian từ khi xuống giống đến khi bán cho thương lái có lâu hơn (mất 5 tháng, trong khi hoa cúc có thời gian 3-4 tháng), nhưng ít sâu bệnh và có thể trồng quanh năm, số lượng cũng nhiều hơn dù cùng trên một diện tích.
Ngoài Dương Sơn, trên địa bàn Hòa Vang còn có nhiều vùng trồng hoa khác như: Gò Giảng (xã Hòa Phong), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Vân Dương (xã Hòa Liên), Trung Nghĩa, Đông Sơn (xã Hòa Ninh), chủ yếu trồng những loại hoa quen thuộc trên thị trường, nguồn giống nhập từ Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Hiện mới có một vài hộ dân ở các xã Hòa Khương, Hòa Tiến đầu tư mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao với các loại hoa sống đời, đồng tiền, hồng...
Ông Nguyễn Tấn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong cho biết, trong năm nay vùng hoa Gò Giảng sẽ được huyện đầu tư 1ha nhà lưới và hỗ trợ nông dân một số giống mới như hoa hồng, hoa đồng tiền. Bà con ở làng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu) cũng đăng ký mỗi hộ khoảng 3 loại giống gồm đồng tiền, hoa hồng, hướng dương cắt cành, trồng theo mô hình công nghệ cao, có nhà lưới che chắn nắng, mưa.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT Hòa Vang, sắp tới huyện sẽ khởi công xây dựng hai nhà kính ở thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) và Đồng Lăng (xã Hòa Phú) với kinh phí 3,5 tỷ đồng/nhà/ha. Đây là nơi được chọn làm thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống nhà kính, nước tưới tự động, đảm bảo sạch và an toàn từ khâu giống đến quá trình sản xuất, thu hoạch. Sau khi xây dựng xong sẽ đi vào sản xuất rau và cuối năm sẽ triển khai trồng các giống hoa cao cấp. Dự kiến hai vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao này rộng 70ha.
Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sẽ giúp nông dân làm quen với phương thức canh tác mới, có hệ thống nước tưới tự động, có nguồn giống sạch từ nuôi cấy mô, có thể kiểm soát và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh cũng như thời tiết tác động. Năm nay được xem là thời điểm khởi đầu để chuyển đổi mô hình canh tác, huyện Hòa Vang đang hy vọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tiêu chí sạch, an toàn, hình thành những vùng hoa chuyên canh, có thể đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bài và ảnh: HOÀNG NHUNG