Kinh tế
Siết chặt quản lý du lịch mạo hiểm
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch mạo hiểm do yếu tố địa hình, tài nguyên núi, biển phù hợp. Sau sự cố liên quan đến du lịch mạo hiểm ở một số khu, điểm du lịch ở các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai…, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng và các khu, điểm khai thác loại hình này cần siết chặt công tác quản lý, tránh những rủi ro không đáng có.
Loại hình thể thao mạo hiểm đòi hỏi sự chuyên nghiệp để bảo đảm an toàn cho du khách. Trong ảnh: Du khách tham gia thể thao mạo hiểm leo núi tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
Hiện nay, Đà Nẵng có một số khu, điểm du lịch được tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm như: Khu du lịch Hòa Phú Thành, Công viên châu Á… Năm 2016, thành phố đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP Du lịch mạo hiểm Việt tổ chức loại hình thể thao leo núi mạo hiểm trên địa bàn Đà Nẵng, trước tiên là thí điểm tại khu vực động Vân Thông, ngọn Thủy Sơn, thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trong vòng một năm nhằm kiểm nghiệm, đánh giá, làm cơ sở mở rộng tại các vị trí khác.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, do đặc thù là loại hình du lịch mới, yếu tố rủi ro rất cao, đòi hỏi công tác quản lý và vận hành, đơn vị khai thác phải chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, tuân thủ chặt chẽ các quy định và được sự cho phép của cơ quan chức năng. Hiện nay, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nghiên cứu để ban hành thông tư hướng dẫn tổ chức quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm trên toàn quốc; trên cơ sở đó căn cứ vào tình hình địa phương để có biện pháp quản lý phù hợp. Trong thời gian đến, ngành du lịch thành phố sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm; đồng thời ban hành các quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ trong du lịch mạo hiểm, kể cả những quy định dành cho du khách khi tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm.
Một số đơn vị tổ chức hoạt động triển khai trò chơi mạo hiểm phục vụ khách du lịch ở Đà Nẵng hiện nay như: Khu du lịch Hòa Phú Thành có các trò trượt thác, đu dây-Zipline; Khu du lịch Bà Nà Hills có tàu lượn, leo núi trong nhà, tháp rơi tự do, máng trượt, cáp treo... Ngoài các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, thiết bị y tế để sơ cấp cứu kịp thời, các khu, điểm có du lịch mạo hiểm bố trí nhân viên và phân công trực cứu hộ tại các khu vực nguy hiểm, khu hồ bơi, suối. “Năm 2016, ngành kiểm tra và có văn bản nhắc nhở từng đơn vị khắc phục những thiếu sót để bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị lắp đặt hệ thống camera và thường xuyên tập huấn các công tác cứu hộ, cứu nạn, túc trực 24/24 giờ tại các điểm vui chơi giải trí mạo hiểm để kịp thời ứng cứu khi có sự cố. Ngoài ra, các hướng dẫn viên cũng cần nâng cao nhận thức cho du khách, các đơn vị kinh doanh phải hướng dẫn khách tuân thủ quy định an toàn khi tham gia loại hình này”, ông Bình cho hay.
Là một trong những đơn vị nhiều năm khai thác du lịch mạo hiểm, mới đây, Công ty CP Du lịch mạo hiểm Việt triển khai thí điểm loại hình thể thao leo núi mạo hiểm tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ông Võ Đức Trung, Giám đốc công ty cho rằng, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Do đó, yêu cầu quản lý rủi ro phải được đề cao khi thiết kế tuyến/sản phẩm; quy trình bảo đảm an toàn phải được huấn luyện và tuân thủ trong mọi tình huống. Các trang thiết bị phục vụ loại hình này cần được đầu tư kỹ, theo chuẩn quốc tế và bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Ông Nguyễn Xuân Bình nhìn nhận, người tham gia loại hình du lịch mạo hiểm nên lựa chọn các công ty lữ hành uy tín, có chức năng chuyên kinh doanh loại hình du lịch này vì các công ty này thường có quy định chặt chẽ về việc tổ chức tour du lịch mạo hiểm; khách phải tuân thủ các quy trình để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bản thân, tránh những rủi ro không đáng có.
Bài và ảnh: THU HÀ