Sinh viên (SV) các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở Đà Nẵng có các thế mạnh khác nhau về kỹ thuật, công nghệ, kiến thức, kỹ năng kinh doanh…, nhưng lại thiếu tính liên kết hiệu quả để cùng khai thác những thế mạnh này thông qua hoạt động khởi nghiệp.
Cần có một không gian chung dành cho khởi nghiệp trong sinh viên tại Đà Nẵng để tận dụng nguồn lực đặc thù từ các trường đại học, cao đẳng. Trong ảnh: CLB Khởi nghiệp ĐH Bách khoa tham gia Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp 2016. |
Thiếu sự hợp tác
Trong năm 2015 và 2016, nhằm thực hiện chủ trương “đưa khởi nghiệp vào giảng đường”, một số trường ĐH trên địa bàn thành phố đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp nhằm khuyến khích và định hướng tinh thần khởi nghiệp trong SV.
Tháng 9-2015, CLB Khởi nghiệp ĐH Bách khoa trở thành CLB khởi nghiệp chính quy đầu tiên tại Đà Nẵng. Đến tháng 12-2016, CLB Khởi nghiệp ĐH Kinh tế ra mắt. Tuy nhiên, các CLB và nhóm khởi nghiệp SV vẫn đang bị “bó buộc” trong phạm vi của mỗi trường, dẫn đến việc có nhóm thiếu kỹ năng kinh doanh, nhóm lại chật vật với công nghệ. Vì vậy, nhiều ý tưởng khởi nghiệp thường được các sinh viên đưa ra nhưng cuối cùng vẫn chỉ dừng lại ở… ý tưởng.
PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, kể từ năm 2014, trường liên tục tổ chức các cuộc thi sáng tạo trẻ và được sinh viên hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, sau các cuộc thi, những ý tưởng ấy chưa thể đưa vào cuộc sống.
“Cuộc thi nếu chỉ dừng ở giải thưởng thì không mang lại nhiều ý nghĩa cho khởi nghiệp”, PGS.TS Lê Quang Sơn nói. TS. Huỳnh Công Pháp, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin chỉ ra một thực trạng là từ trước đến nay, các trường ĐH, CĐ thường tự tổ chức các hoạt động khởi nghiệp riêng mà chưa phối hợp với nhau, dẫn đến việc các trường không khai thác được thế mạnh cũng như không thừa hưởng được thành quả của nhau.
Việc các ý tưởng không được hiện thực hóa và sinh viên chưa có diễn đàn chung là “bài toán lớn” của khởi nghiệp tại nhiều trường ĐH, CĐ toàn quốc. Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) Võ Duy Khương, đến nay, cả nước vẫn chưa có chính sách cụ thể về việc triển khai khởi nghiệp trong sinh viên. Trong khi đó, các trường vẫn phải mang nhiệm vụ chính là giảng dạy, đào tạo theo đúng chuyên môn, khiến việc khởi nghiệp dễ bị xem là… phong trào.
Liên kết để tạo sức mạnh chung
Thực tế, không phải trường ĐH, CĐ nào cũng có thể kêu gọi tài trợ, ươm tạo và thương mại hóa các ý tưởng khởi nghiệp vì không có đủ nguồn lực. TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) nhận định, ở cấp độ các trường ĐH, CĐ trực thuộc ĐH Đà Nẵng nên tập trung 2 nhiệm vụ là tạo tinh thần khởi nghiệp bằng các cuộc thi, tọa đàm… cho sinh viên, đồng thời đưa môn học khởi sự doanh nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên ở mọi ngành. Đồng thời, ĐH Đà Nẵng nên đóng vai trò đầu mối để liên kết với các thành tố khác của hệ sinh thái khởi nghiệp, vừa khai thác nguồn lực, vừa hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của các trường thành viên.
Hiện nay, Trường CĐ Công nghệ thông tin là một trong các trường đã đưa môn học cung cấp kiến thức kinh tế vào dạy cho sinh viên kỹ thuật. TS. Huỳnh Công Pháp chia sẻ: “Kết quả có thể thấy được ngay, nếu trước đây sinh viên lên trình bày đề tài chỉ đứng từ góc độ kỹ thuật, thì nay đã biết nhìn từ phía nhu cầu thị trường. Đơn giản như vậy nhưng đây là một bước tiến đáng ghi nhận”.
PGS.TS Lê Quang Sơn cho rằng, ĐH Đà Nẵng nên tạo ra một sân chơi, diễn đàn chung. Còn đối với các trường thành viên, nên chú ý tập trung phát triển khởi nghiệp ở một số ngành, tùy thuộc vào đặc thù từng trường. “Để làm được điều này, cần có tầm nhìn và định hướng tốt”, PGS.TS Lê Quang Sơn nói.
Tại hội nghị bàn về công tác khởi nghiệp trong SV do ĐH Đà Nẵng tổ chức vào giữa tháng 4 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, ĐH Đà Nẵng nên thành lập một vườn ươm doanh nghiệp, liên kết với vườn ươm doanh nghiệp của thành phố (DNES) và các cố vấn, chuyên gia, nhà đầu tư khởi nghiệp.
Còn hiện tại, ĐH Đà Nẵng, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố và các doanh nghiệp cần có sự phân định trách nhiệm cụ thể, có thể thông qua các biên bản ghi nhớ để dễ dàng hợp tác với nhau. Điều này góp phần giải quyết tình trạng “khởi nghiệp chuyển mình mấy năm nay nhưng vẫn chưa đồng bộ”, TS. Võ Duy Khương nhận định.
Bài và ảnh: KHANG NINH