Từ đầu tháng 2-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang thực hiện mô hình “Vườn trái cây tập trung”, với sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ thế giới (AOG World Relief). Mô hình này được đánh giá là giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế ở nông thôn.
Hỗ trợ hội viên nghèo trồng vườn trái cây tập trung tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. |
Chương trình này nhằm giúp phụ nữ nghèo, khó khăn, có đất vườn rộng (từ 800m2 trở lên) trồng vườn cây ăn quả năng suất cao để phát triển kinh tế gia đình. Qua khảo sát thực tế, Hội LHPN huyện Hòa Vang chọn 26 hộ ở 11 xã trên địa bàn để thực hiện mô hình “Vườn trái cây tập trung”. Các hộ này được Chi hội Phụ nữ thôn hỗ trợ đào hố trồng cây, phân bón, nước vi sinh, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây; đồng thời được tư vấn đất vườn phù hợp với những loại cây gì. Từ đó, Hội Phụ nữ huyện tổng hợp, đặt mua cây giống tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ánh mắt rạng ngời niềm vui, chị Phạm Thị Kiêm (45 tuổi, thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn) chỉ vào 60 cây bưởi mới trồng cho biết: “Mỗi quả bưởi tại Đà Nẵng có giá đến 50.000-60.000 đồng. Nếu cố gắng chăm bón, 3 năm sau, vườn bưởi này sẽ đem lại nguồn thu nhập khá”. Chị Kiêm chia sẻ, các cây trồng cách nhau từ 4-5 mét, mỗi hố trồng sâu 1 mét, rộng 0,7 mét, đào trước 1 tháng, bỏ rác hữu cơ vào đầy hố, xen kẽ đổ nước vi sinh, rồi phủ đất lên trên để làm cho rác mau mục. Đến ngày trồng, cây giống và phân bón được chở đến tận vườn, hội viên trong chi hội lại đến hỗ trợ công trồng cây và cắm cọc bảo quản. “Trước khi trồng, cho phân bón và đất tơi xốp vào hố trộn đều với rác đã phân hủy và khi trồng chú ý mặt hố trồng phải dưới mặt đất từ 15-20cm”, chị Kiêm nói.
Còn chị Nguyễn Thị Xuân (34 tuổi, thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong) cho biết, chị được hỗ trợ trồng 20 cây bưởi da xanh và 40 cây dừa xiêm, từ ngày trồng đến nay đã hơn hai tháng, tất cả đều phát triển tốt. Trong khi đó, tại thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn, chị Đặng Thị Vân (37 tuổi) được hỗ trợ trồng 40 cây cam sành và 40 cây bưởi da xanh. Hằng ngày, chị Vân tưới nước cho cây theo đúng hướng dẫn như không để đất khô nứt nhưng cũng không tưới quá nhiều và phải tưới bằng bình để không làm xói lở đất...
Những hộ đã được hỗ trợ trồng vườn cây ăn quả cho biết đều tranh thủ tưới nước vào sáng sớm mỗi ngày, thời gian trong ngày vẫn đi làm bình thường. Chị em còn được các cấp Hội hướng dẫn xử lý sâu bệnh.
Qua hơn 2 tháng thực hiện mô hình “Vườn trái cây tập trung” tại huyện Hòa Vang cho thấy 100% cây trồng sống và phát triển tốt. Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang khẳng định, đây là mô hình thiết thực phát triển kinh tế gia đình, phù hợp với quá trình xây dựng và nâng chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn trồng 100 vườn cây năng suất cao với các loại giống cam sành, mít Thái Lan, bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ, xoài, ổi, chôm chôm... “Các loại cây này sau 3 năm sẽ có thu hoạch, nếu đầu ra ổn định, bảo đảm năng suất sẽ giúp hội viên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lê Thị Phượng chia sẻ.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM