Sửa đổi Nghị định 67: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngư dân

.

ĐNĐT - Tàu hỏng liên tục, nợ ngân hàng khó trả là khó khăn mà ngư dân đang gặp phải khi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tuy nhiên, ngư dân hy vọng Nghị định 67/2014-NĐ-CP sửa đổi sẽ hỗ trợ kịp thời cho họ. Đó là nội dung được đề cập tại hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” sáng 29-8, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Đà Nẵng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi.
Đà Nẵng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi.

Phải đền bù mọi thiệt hại cho ngư dân

Tại hội thảo, ngư dân Đinh Công Khánh, chủ tàu BĐ 99086 TS cho biết: “Chúng tôi lặn lội từ Bình Định ra đây với một yêu cầu duy nhất là doanh nghiệp (DN) đóng tàu phải sửa chữa, bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho ngư dân Bình Định”. Ông Khánh được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay 18,7 tỷ đồng để đóng mới tàu theo Nghị định 67. Tuy nhiên, sau khi tàu hoàn thiện vươn khơi thì xảy ra sự cố, hầm đá bị ứ nước không thể giữ lạnh cho cá. Chuyến biển đầu tiên trong nửa tháng đánh bắt của ông Khánh lỗ 280 triệu đồng. Để có tiền trả nợ tạm thời, ông Khánh phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng, bán chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng, nhưng vẫn không trả đủ trong khi tàu vỏ thép đang nằm bờ để khắc phục, sửa chữa. Hiện tổng thiệt hại của ngư dân Khánh lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Ông Khánh bức xúc, yêu cầu các cơ quan năng triệu tập lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu vào Bình Định giải quyết và phải đền bù thiệt hại vì đây là lỗi của DN đóng tàu. Đồng thời, ông Khánh cho rằng, ngân hàng cũng cần có giải pháp giãn nợ trong lúc ngư dân chờ tàu sửa xong để lại ra khơi bám biển.

Cũng bức xúc như ông Khánh, ngư dân Trần Văn Hạo, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99029 TS phân trần: “Ngư dân chúng tôi đang lâm vào tình cảnh khốn đốn vì tàu hỏng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nằm ở ngân hàng”. Tháng 3-2015, ông Hạo ký hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép công suất 940 CV, trị giá hơn 18,7 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Tháng 8-2015, ông Hạo ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Quy Nhơn vay 17,7 tỷ đồng (tương ứng 94% giá trị con tàu). Sau khi ký hợp đồng, theo hướng dẫn của ngân hàng, ông Hạo nộp tiền đối ứng 6% (hơn 1 tỷ đồng) và giao sổ đỏ cho ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi đóng xong tàu, ông Hạo gửi đầy đủ hồ sơ thế chấp con tàu cho ngân hàng và đòi lại sổ đỏ nhưng ngân hàng nhất quyết không trả.

Ông Hạo bức xúc: “Theo quy định, tôi không phải thế chấp tài sản khác ngoài thế chấp con tàu hình thành từ vốn vay. Vậy lý do gì ngân hàng hướng dẫn để chúng tôi nộp sổ đỏ, ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và đưa thêm quy định về tài sản đảm bảo trong hợp đồng tín dụng?”. Giờ đây, con tàu vỏ thép của ông Hạo liên tục hư hỏng, tàu nằm bờ nhiều tháng nay khiến nợ ngân hàng chồng chất. Hiện ông Hạo nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Vì vậy, ông Hạo đề nghị DN bồi thường cho ngư dân, ngân hàng trả sổ đỏ để gia đình ông có thể thế chấp vay vốn nơi khác...

Hai tàu vỏ thép hình thành từ nguồn vốn vay 67 của ngư dân Đà Nẵng đang chuẩn bị vươn khơi đánh bắt. Ảnh: THANH TÌNH
Hai tàu vỏ thép hình thành từ nguồn vốn vay 67 của ngư dân Đà Nẵng đang chuẩn bị vươn khơi đánh bắt. Ảnh: THANH TÌNH

Nhiều giải pháp, kiến nghị

Thông tin tại hội thảo cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhìn nhận, các con số trên cho thấy Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực...

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, để quản lý việc đóng tàu theo Nghị định 67 chặt chẽ, tránh các thiếu sót, sự cố gây thiệt hại cho chủ tàu, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT giải quyết một số vướng mắc trong triển khai nghị định này. Trong đó, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 quy định thêm một số vấn đề như hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu bảo đảm chất lượng; hỗ trợ bảo hiểm cho các tàu đóng theo Nghị định 67 đến hết thời hạn vay. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát các mẫu thiết kế để bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với các nghề khai thác và vùng biển hoạt động; kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng tàu thép, vật liệu mới và công bố các công ty có năng lực đóng tàu cá tốt nhất để ngư dân liên hệ đóng tàu...

Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi và hiến kế nhiều giải pháp, kiến nghị để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, bất cập, đặc biệt là đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 67. Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng ưu tiên ngân sách Trung ương tập trung đầu tư đồng bộ các hạng mục như cầu cảng, kè bờ, nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu, công trình neo buộc tàu, hệ thống xử lý nước thải, nhà phân loại, nhà điều hành… và đầu tư xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn. Chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá cần chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư. Chính sách tín dụng lưu động đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng tăng hạn mức cho vay tối đa cho một chuyến biển; sửa đổi, bổ sung thêm cơ chế cho vay, cơ chế xử lý rủi ro cho tổ chức tín dụng. Về chính sách bảo hiểm thực hiện hỗ trợ đối với tàu công suất từ 250 CV trở lên, quy định mức hỗ trợ là 70% chi phí bảo hiểm thân tàu và thuyền viên. Bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên…

Đà Nẵng sẽ có chính sách hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện Đà Nẵng có 1.614 tàu cá. Về Nghị định 67, Đà Nẵng đã phê duyệt cho 7 ngư dân đóng mới 7 tàu cá (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ), 2 ngư dân nâng cấp tàu cá. Từ năm 2014-2016 đã có 356 lượt tàu mua bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 6.049 người với tổng kinh phí khoảng 12,38 tỷ đồng… Thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành NN&PTNT. Theo đó, sẽ cơ cấu lại tàu thuyền, cơ cấu nghề; tổ chức lại hoạt động tổ đội trên biển; sản lượng khai thác; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, khôi phục, đầu tư nâng cấp phát triển lĩnh vực cơ khí thủy sản, trước hết là đóng, sửa các tàu cá khai thác xa bờ, mạng lưới dịch vụ cơ khí, cung ứng dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và hỗ trợ bảo quản sản phẩm sau khai thác để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm…

* Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam: Mẫu tàu chưa phù hợp

Bộ NN&PTNT đã ban hành 26 mẫu tàu vỏ thép áp dụng cho cả nước nhưng khi áp dụng cho từng địa phương vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp. Đối với ngư dân, lâu nay chỉ mới sử dụng tàu vỏ gỗ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về tàu vỏ thép nên khi đặt hàng thiết kế mới hoặc điều chỉnh thiết kế mẫu của Bộ vẫn chưa thể đưa ra đầy đủ các yêu cầu của mình. Do vậy, khi thi công đóng mới, còn nhiều vấn đề nảy sinh cần phải thay đổi về kết cấu vỏ tàu, máy chính đẩy tàu, trang thiết bị, giá thành đầu tư..., làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện chính sách.

* Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định): Cần đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng

Để nâng cao hiệu quả của các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình sửa đổi, bổ sung NĐ 67 theo hướng hỗ trợ một lần sau đầu tư để giảm sự phụ thuộc, tránh rủi ro trong việc cho vay và thu hồi nợ vay của ngân hàng, đặc biệt là bổ sung nội dung hỗ trợ đối với việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá; hỗ trợ kinh phí cho chủ tàu thuê tư vấn giám sát trong quá trình thi công đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67. Ban hành quy định về định biên, các chức danh làm việc trên tàu cá, đặc biệt là tàu cá vỏ thép...

* Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): Agribank đã cho vay hơn 4.600 tỷ đồng

Sau 3 năm, riêng Agribank đã cho vay 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại  3.883 tỷ đồng. Số khách hàng đang vay vốn là 554 khách hàng, trong đó có 510 khách hàng vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu. Tuy nhiên, người vay chưa thuần thục trong việc lập hồ sơ vay vốn, không biết lập phương án kinh doanh, không chứng minh được khả năng tài chính... nên gây khó cho ngân hàng. Một điều quan trọng nữa là ngư dân có tâm lý làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng nên rất nguy hiểm đến an toàn vốn cho ngân hàng.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.