Kinh tế

Hòa Nhơn phục hồi nghề làm kiệu Hương

08:22, 19/09/2017 (GMT+7)

Về xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) hỏi món kiệu Hương ai cũng biết. Chẳng biết chính xác nghề làm kiệu Hương có từ bao giờ, chỉ biết đối với những người cao tuổi ở Hòa Nhơn, làm kiệu Hương đã trở thành nghề cha truyền con nối, gắn bó với họ từ thuở thiếu thời.

Người dân xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) đang trồng kiệu Hương trên những khu đất rộng.
Người dân xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) đang trồng kiệu Hương trên những khu đất rộng.

Gia đình ông Trương Thạnh (77 tuổi, ở thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có truyền thống trồng và bán các sản phẩm làm từ kiệu Hương. Ông Thạnh cho biết, từ lúc lên 6, 7 tuổi, ông đã theo mẹ ra vườn bổ luống, làm đất trồng kiệu. Đến mùa thu hoạch, ông phụ cha mẹ nhổ kiệu rồi tỉ mẩn gỡ bỏ lá úa, bó lại thành những kẹp nhỏ (mỗi kẹp có 12 cây kiệu).

Sau khi gom thành một bó lớn, ông cùng mẹ ra chợ bỏ mối. Ông Thạnh nhớ như in, thời đó, nhà nào ở xã cũng trồng kiệu Hương. Một năm chia 2 vụ, vụ hè thu (bắt đầu trồng từ đầu tháng 4 âm lịch) chủ yếu để giữ giống, phần còn lại đem bán. Vụ đông xuân làm đất và trồng từ đầu tháng 7 âm lịch, đến gần tháng Chạp bắt đầu thu hoạch, chuẩn bị mùa chợ Tết. “Hồi nhỏ, nhờ bán mấy sào kiệu Hương, nhà tôi mới có tiền sắm Tết, mấy anh em có thêm quần áo mới. Kiệu Hương muối chua ngọt ăn với bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu trong gia đình tôi vào ngày Tết”, ông Thạnh kể.

Bà Ngô Thị Thi (67 tuổi), vợ ông Thạnh cho biết thêm, hồi bà còn trẻ, năm nào gia đình ông bà cũng trồng đủ 2 vụ hè thu và đông xuân, mỗi vụ từ 1-2 sào kiệu. Nay vì tuổi cao, sức yếu, con cái trong nhà không ai theo nghề nên chỉ trồng 1 sào (tương đương khoảng 500m2), chủ yếu để dùng trong nhà và bán chợ Tết. Hiện nay, số người làm kiệu Hương trong thôn không còn nhiều như trước vì đất đai khan hiếm dần, các thế hệ con cháu cũng không còn mặn mà với nghề của cha ông.

Bà Thi bảo, trồng kiệu Hương phải chăm sóc kỹ, sau khi trồng được 1 tháng thì lo dọn cỏ; từ tháng thứ hai vừa làm cỏ, cuốc chân, vừa bỏ phân mới. Một vụ trồng khoảng 4 tháng và phải 3 lần như vậy mới cho ra cây kiệu để thu hoạch. Sợ nhất là sâu, rầy sẽ làm mất mùa. Nhờ có đất nên nhà bà tự nhân giống, những nhà khác đất ít phải đi mua giống. Mỗi kilogam giống kiệu Hương hiện được bán giá khoảng 40.000 đồng, một sào cần từ 40-50kg giống.

Là một trong những gia đình có diện tích trồng kiệu Hương lớn tại xã Hòa Nhơn với 1.000m2, ông Trần Phước Sơn (ở thôn Phước Thuận) cho biết, sau thời gian mai một, nay xã Hòa Nhơn chủ trương phục hồi nghề truyền thống, bản thân ông cùng người thân muốn đầu tư làm kinh tế từ cây kiệu Hương nên đăng ký với diện tích lớn.

Hiện nay, theo chủ trương của xã Hòa Nhơn, nhiều khu đất trống thu hồi từ các dự án được giao cho người dân tận dụng để trồng kiệu Hương. Ông Trần Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, lãnh đạo xã xác định việc đầu tư phát triển nghề làm kiệu Hương là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục hồi nghề truyền thống đang bị mai một, đồng thời góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã trong năm 2017 và những năm tiếp theo; qua đó phát huy và giữ vững thành tích xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được công nhận năm 2015.

Để triển khai hiệu quả mũi nhọn kinh tế này, toàn xã đã triển khai dự án “Phục hồi nghề làm kiệu Hương tại xã Hòa Nhơn”. Theo đó, ngay đầu tháng 4 đã triển khai trồng 2.000m2 kiệu Hương với sự tham gia của 4 hộ gia đình. Qua vụ đầu tiên nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân, ngoài việc bán ra thị trường, phần lớn số kiệu thu hoạch được cất giữ làm giống chuẩn bị cho vụ đông xuân bắt đầu từ đầu tháng 7 âm lịch.

“Vụ đông xuân đóng vai trò quyết định trong năm vì hướng tới mục tiêu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Diện tích trồng đã được tăng lên khoảng 10.000m2 với sự tham gia của 33 hộ gia đình, tập trung chủ yếu ở 3 thôn Thạch Nham Tây, Thạch Nham Đông và Phước Thuận. Những hộ trồng nhiều nhất khoảng 1.000m2. Đối với các hộ gia đình đăng ký tham gia sẽ được xã hỗ trợ 100% giống kiệu, 30% phân bón và cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn tận tình cho bà con trong quá trình gieo trồng cũng như chăm sóc, thu hoạch”, ông Thu cho biết.

Giá kiệu Hương bán ra thị trường ngày thường dao động từ 25.000- 30.000 đồng/kg; riêng dịp Tết Nguyên đán tăng lên từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Bên cạnh việc vận động và hỗ trợ người dân quay về với nghề trồng kiệu Hương, lãnh đạo xã Hòa Nhơn cũng tính đến phương án xây dựng thương hiệu cho kiệu Hương Hòa Nhơn; sau đó liên hệ với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đặc sản lớn trên địa bàn thành phố nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm này, để Đà Nẵng có thêm một đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền.

Khác với những loại kiệu khác có củ dài, màu trắng sữa, kiệu Hương có củ tròn hơn, màu trắng ngà, thân kiệu (đoạn gần gốc) có màu ngả sang sắc xanh. Đặc biệt, kiệu Hương có hương vị riêng biệt, chỉ riêng có ở vùng đất Hòa Nhơn. Sau một thời gian dài bị mai một, đến nay xã Hòa Nhơn triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi nghề truyền thống này, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong năm 2017.

Bài và ảnh: MẪU ĐƠN
 

.