Kinh tế

Mua sắm cuối tuần

Gốm Nhật chinh phục khách hàng Việt

13:29, 30/09/2017 (GMT+7)

Thời gian gần đây, sản phẩm gốm gia dụng có xuất xứ từ Nhật Bản đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, mẫu mã khá bắt bắt, độc đáo, giá dao động từ 30.000 - 100.000 đồng/sản phẩm riêng lẻ và từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng một bộ.

Gốm Nhật với kiểu dáng, màu sắc, chất liệu men sứ độc đáo thu hút sự quan tâm của nhiều người, ở mọi lứa tuổi.
Gốm Nhật với kiểu dáng, màu sắc, chất liệu men sứ độc đáo thu hút sự quan tâm của nhiều người, ở mọi lứa tuổi.

Nằm sâu trong con hẻm trên đường Trưng Nữ Vương, cửa hàng gốm Hiên Nhà (số 626/2) mới khai trương được hơn 3 tháng nhưng có rất đông khách hàng tham quan và mua sắm, bởi lượng hàng phong phú, đủ mọi chủng loại từ chén, đĩa, ấm trà, đến ly tách, bình cổ… Giá bán theo 2 hình thức: niêm yết theo từng sản phẩm, giá dao động từ 30.000 - 100.000 đồng/sản phẩm và từ vài trăm ngàn đồng/bộ; bán theo kilogam, mỗi kilogam có giá 150.000 đồng cho những sản phẩm riêng lẻ.

Anh Phan Thiện, chủ cửa hàng gốm cho hay, anh biết đến gốm Nhật lúc còn sinh sống và học tập ở TP. Hồ Chí Minh, ban đầu chỉ tìm hiểu vì thấy tò mò nhưng càng về sau càng đam mê. Trở về Đà Nẵng, anh thấy trên địa bàn đã có các cửa hàng gốm Nhật nhưng quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa phong phú, người bán chủ yếu mua về kinh doanh mà chưa thật sự chú trọng mở rộng dòng sản phẩm này. Sản phẩm tại quầy gốm Hiên Nhà được lấy từ TP. Hồ Chí Minh, bán chạy nhất là các loại ly, tách uống trà và chén ăn.

Tại Đà Nẵng có một số địa chỉ bán các sản phẩm gốm Nhật như: 169F Trưng Nữ Vương; tiệm gốm Hiên Nhà 626/2 Trưng Nữ Vương; Vivian Décor Đà Nẵng 67 Yên Bái.

Gốm Nhật được bán nhỏ lẻ trên thị trường hiện nay chủ yếu là hàng tồn kho từ các công ty Nhật Bản xuất khẩu qua. Một số công ty, đầu mối kinh doanh trong nước đứng ra thu mua vài lô hàng lớn rồi về phân phối lại. Anh Thiện nói thêm, gốm Nhật thường hướng đến sự giản dị, tinh tế và gần gũi với đời sống hằng ngày. Các mẫu hoa văn đôi lúc rất đơn giản như một cành tre với vài ba chiếc lá hay hình một samurai, một con cá ngừ… Với những sản phẩm cao cấp hơn, gốm Nhật thực sự thu hút người mua ở sự sang trọng, màu sắc bắt mắt. Có những dòng gốm nổi tiếng ở các làng nghề của Nhật Bản như: Amari, Kakiemon, Arita… Về hình dáng và tính công dụng của gốm Nhật chịu ảnh hưởng lớn từ nét văn hóa ẩm thực của người Nhật. Đơn cử, người Nhật có thói quen ăn sushi và các loại dưa muối chua nên họ thường có các đồ gia dụng chuyên phục vụ món ăn này như các loại dĩa dài, hẹp hay các loại dĩa cỡ nhỏ. Họ cũng chế tạo ra loại bát có tay cầm dành riêng để ăn lẩu hay những chiếc tô to, dày và nặng dành để đựng mì ramen - món ăn thường được người Nhật dùng vào mùa đông và được ăn lúc mới nấu chín, còn nóng hổi.

Hiện nay, phần lớn người mua thường thích chọn sản phẩm gốm mộc, thô, men rạn vì tính độc đáo, riêng biệt của nó. Chị Trương Thị Hồng Ngọc (ở quận Thanh Khê) bày tỏ, gốm Nhật thích hợp với những ai yêu thích cái lạ, chất liệu đa dạng nhưng chị thích loại gốm mộc thô vì nó có chút cũ kỹ, gợi lên nét hoài cổ. Ngoài sử dụng hằng ngày cho việc ăn uống, đựng các thứ lặt vặt, chị Ngọc còn dành hẳn một kệ nhỏ ở phòng khách để trưng bày những sản phẩm gốm Nhật có hình thù khác lạ, bắt mắt. Ngoài ra, gốm Nhật cũng thích hợp để lựa chọn làm quà tặng người thân, mừng tân gia hay sinh nhật…

Bài và ảnh: MẪU ĐƠN

.