Kinh tế

Phát huy vai trò hộ kinh tế cá thể

14:32, 27/09/2017 (GMT+7)

Trên địa bàn quận Thanh Khê hiện có khoảng 8.000 hộ kinh doanh cá thể. Hằng năm, khoảng 600 hộ đăng ký kinh doanh mới.

Chị Dương Thị Hồng Vân đầu tư sản xuất xe nước mía và được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đặt hàng tặng hộ nghèo.
Chị Dương Thị Hồng Vân đầu tư sản xuất xe nước mía và được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đặt hàng tặng hộ nghèo.

Một ngày giữa tháng 9, tại xưởng cơ khí của chị Dương Thị Hồng Vân (Chi hội trưởng Phụ nữ Tân Ninh B, phường Tân Chính, quận Thanh Khê), gần chục lao động đang hăng say làm việc. Cách đây nhiều năm, gia đình chị Vân thuộc diện khó khăn. Gia đình có nghề làm cơ khí nhưng quy mô nhỏ, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân Chính tư vấn, định hướng, chị đã bàn với gia đình mở thành xưởng cơ khí. Nhờ nguồn vốn tín chấp do Hội LHPN giúp đỡ, chị Vân đầu tư sản xuất xe nước mía và được Hội LHPN thành phố đặt hàng tặng hộ nghèo. Sau 2 năm nỗ lực làm ăn, kinh tế gia đình chị Vân ngày càng khá. Cơ sở sản xuất của chị hiện sản xuất nhiều mặt hàng như xe nước mía, xe đẩy, vật dụng sinh hoạt gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho 5-10 lao động địa phương. “Công việc kinh doanh ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ xưởng đã tạo thêm thu nhập một số lao động khác”, chị Vân tâm sự.

Cũng giống như chị Vân, chị Nguyễn Thị Hà (Chi hội 5 Đông Xuân, phường An Khê) mở cơ sở sản xuất bánh in. Ban đầu, chị ngần ngại vì thiếu vốn, nhưng được Hội LHPN quận Thanh Khê động viên, hỗ trợ vốn vay, chị mạnh dạn làm. Nhờ vậy, kinh tế của gia đình chị khá ổn định và đã giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ.

Theo chị Lê Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê, các hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ quận hoạt động khá hiệu quả như: tổ liên kết dịch vụ nấu ăn, giới thiệu việc làm của phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Chính Gián, Xuân Hà; mô hình phụ nữ khởi nghiệp tại phường Chính Gián, An Khê, Vĩnh Trung, Tân Chính trong lĩnh vực cơ khí, xưởng may gia công, sản xuất bánh...

Ông Phan Thành Nhân, Phòng LĐ-TB&XH quận cho biết, chủ trương tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút và khai thác tiềm năng, thế mạnh của quận ngày càng thể hiện rõ nét; qua đó tạo nhiều việc làm mới, thu hút được lao động của địa phương. Số doanh nghiệp có từ trên 10 lao động chiếm khoảng 20,55% (725/3.527 doanh nghiệp) với lực lượng lao động 38.628 người, bình quân 53 người/doanh nghiệp. Số doanh nghiệp có từ dưới 10 lao động chiếm khoảng 79,77% (2.802/3.527) với lực lượng lao động là 16.865 người, bình quân 6 người/doanh nghiệp. Chỉ trong tháng 9-2017, 153 lượt người (trong đó hộ kinh tế cá thể là 87 lượt người, doanh nghiệp là 32 lượt người; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là 12 lượt người) được giải quyết và giới thiệu việc làm.

Cũng theo ông Nhân, giải quyết việc làm luôn được lãnh đạo quận quan tâm và chỉ đạo sâu sát, đặc biệt là đối với hộ nghèo, người khuyết tật, các đối tượng hòa nhập cộng đồng... Ngay từ đầu năm, Phòng LĐ-TB&XH quận chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, hội, đoàn thể, đơn vị liên quan để hướng nghiệp, đào tạo nghề sơ cấp và ngắn hạn; tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến hàng mỹ nghệ, nông sản, hải sản... để tạo việc làm tăng thêm. UBND các phường chỉ đạo và giám sát quá trình khảo sát, vận động và đăng ký học nghề tại địa phương, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận lao động chưa có nghề vào học nghề và bố trí việc làm tại doanh nghiệp...

“Trên địa bàn quận Thanh Khê hiện có khoảng 8.000 hộ kinh doanh cá thể. Hằng năm, số hộ đăng ký kinh doanh mới khoảng 600 hộ, giải quyết việc làm tăng thêm hơn ngàn người. Đây là đối tượng kinh doanh cần khuyến khích, hỗ trợ cả vốn và cơ sở pháp lý để kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần thực hiện chương trình an sinh xã hội theo Đề án “Thành phố 4 an” trên địa bàn quận”, ông Nhân cho biết.

Bài và ảnh: HÀ THU

.