Kinh tế

15 năm Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng

Góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo

11:08, 05/10/2017 (GMT+7)

Được thành lập theo Quyết định số 50/QĐ-HĐQT ngày 14-1-2003 và chính thức hoạt động từ ngày 26-3-2003, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng (NHCSXH) đã bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Giải ngân cho khách hàng đến giao dịch vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang.
Giải ngân cho khách hàng đến giao dịch vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang.

Thực hiện nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH Đà Nẵng thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, giá trị NHCSXH hướng tới là vì hạnh phúc của người nghèo và an sinh xã hội.

Ngay từ khi mới thành lập, Chi nhánh NHCSXH Đà Nẵng chỉ có nguồn vốn hơn 129 tỷ đồng để cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm. Đến tháng 6-2017, nguồn vốn tăng lên trên 1.570 tỷ đồng (tăng 11,1 lần).

Song hành với chặng đường đó, thời gian qua, ngân hàng đã giải ngân 3.894 tỷ đồng cho gần 300.000 lượt khách hàng vay vốn, đóng góp lớn trong công tác giảm nghèo, giúp thành phố hoàn thành Đề án giảm nghèo qua các giai đoạn luôn về đích trước từ 1-3 năm, hoàn thành mục tiêu không có hộ đói trong chủ trương thành phố “5 không”.

Hoạt động tín dụng chính sách đã giúp tạo việc làm mới cho hơn 61.000 lao động; 64.000 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng 13.000 công trình nước sạch và 15.000 công trình vệ sinh môi trường mới được xây dựng, góp phần thực hiện mục tiêu có việc làm, có lối sống văn minh đô thị trong chủ trương xây dựng “Thành phố 3 có” và mục tiêu an sinh xã hội trong chủ trương xây dựng “Thành phố 4 an”.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang sử dụng các biện pháp hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác bao gồm trợ cấp và tín dụng có ưu đãi. Tuy nhiên, thay vì trợ cấp cho không hiện nay không còn hiệu quả, làm các đối tượng chính sách có tâm lý trông chờ, ỷ lại, không quyết tâm vượt khó, tự vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo; đến nay, UBND thành phố đã ủy thác sang NHCSXH 290,097 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng có ưu đãi như: hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ hoàn lương có nhu cầu sản xuất, kinh doanh tái hòa nhập cộng đồng được vay không lãi suất trong 3 năm đầu hoạt động; người khuyết tật được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn; cho vay đối với hộ thuộc diện di dời giải tỏa; cho vay giải quyết việc làm; ưu đãi đối với các đối tượng cần được hỗ trợ tại các phường, xã, thôn, tổ dân phố.

Quận Hải Châu là một trong những điểm sáng của thành phố triển khai hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Bí thư Quận ủy Hải Châu Võ Văn Thương cho rằng: “Hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là nguồn lực hỗ trợ quan trọng cùng với các nguồn lực của quận. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, quận đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy chủ động bám sát chủ trương của Trung ương, thành phố, kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo hệ thống chính trị đồng loạt vào cuộc thường xuyên, quyết liệt; quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, đưa vào chương trình công tác trọng tâm hằng năm. Chúng tôi xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động tín dụng xã hội”.

Nhằm giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững, NHCSXH phối hợp với hội, đoàn thể, các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả đối với nhiều mô hình canh tác lúa hữu cơ, chăn nuôi bò, nuôi trồng thủy sản, sản xuất đá mỹ nghệ, trồng rau, trồng nấm…

Là hộ được bình xét cho vay vốn theo nguồn di dời giải tỏa ở Hòa Xuân, gia đình bà Phan Thị Nhuận (tổ 63A, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) từ chỗ bám cây lúa, sau đó nhường đất cho dự án đô thị, cuộc sống bấp bênh trong cảnh “ăn không ngồi rồi”, đến nay bà Nhuận đã được vay vốn 3 lần để phát triển kinh tế ổn định với nghề trồng chuối cho thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng. Hay như trường hợp anh Lê Tiến (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) tay trắng vươn lên ổn định cuộc sống, hiện có thu nhập 150 triệu đồng/năm từ vật nuôi gia súc, gia cầm, cá, ếch. Theo anh Tiến, “đồng vốn vay của NHCSXH như bà đỡ đối với người dân nông thôn, trong khi người nghèo khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng thương mại vì không có tài sản thế chấp”.

15 năm qua, NHCSXH giữ vai trò là công cụ tài chính của Nhà nước, là cầu nối giúp người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo và làm giàu chính đáng. Vì vậy, UBND thành phố luôn quan tâm đến hoạt động, sự trưởng thành của Chi nhánh NHCSXH, mặc dù nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Phía thành phố cũng đã dành phần tăng thu, tiết kiệm chi, chuyển vốn cho NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí lẫn phương tiện để NHCSXH hoạt động và hoàn thành các nhiệm vụ của mình.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Đà Nẵng lưu ý, đơn vị cần tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 và Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư; qua đó, tập trung huy động vốn, tăng trưởng nguồn vốn để phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, cần đổi mới, sáng tạo không ngừng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đắc lực vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội tại địa phương.

“Đà Nẵng là địa bàn trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, tác động đến nhiều đối tượng xã hội. Những năm qua, thành phố luôn quan tâm nâng cao chất lượng an sinh xã hội. Trong đó, công tác giảm nghèo luôn được chú trọng thực hiện tốt, các đề án giảm nghèo theo giai đoạn về đích sớm từ 1-2 năm, góp phần thực hiện tốt các chủ trương xây dựng “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” trước đây và chương trình “Thành phố 4 an” hiện nay. Trong thành quả đó, sự đóng góp của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng trong 15 năm qua rất quan trọng... Thời gian đến, thành phố sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này, coi đây là một nội dung quan trọng, cấp thiết nhằm góp phần phát triển nhanh và bền vững Đà Nẵng”

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.