Nông dân học nghề

.

Để tạo điều kiện cho người lao động có việc làm ổn định, huyện Hòa Vang đã xây dựng và ban hành Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ. Sau khi học nghề, phần lớn những người học nghề nông nghiệp như trồng nấm, trồng hoa, nuôi cá nước ngọt... có thể tự tổ chức tạo việc làm cho gia đình. Đây là cơ hội giúp nhiều hộ thoát khỏi cảnh nghèo.

Anh Nhi đang sản xuất thử nghiệm 1.200 bịch nấm Milky.
Anh Nhi đang sản xuất thử nghiệm 1.200 bịch nấm Milky.

Cá biệt có người rất thành công như anh Nguyễn Văn Nhi (Giám đốc HTX Nấm Nhơn Phước, xã Hòa Nhơn). Năm 2014, sau khi học nghề ngắn hạn 3 tháng, anh tổ chức sản xuất rất hiệu quả. Đến nay, anh đầu tư mở rộng 2 cơ sở sản xuất nấm, một ở thôn Thạch Nham Đông và một ở thôn Hòa Khương Đông.

Đến nay, “đầu ra” của HTX khá ổn định, sản phẩm nấm linh chi, nấm sò Nhơn Phước có mặt và cung cấp trên thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Phương châm kinh doanh của anh là cạnh tranh về chất lượng chứ không cạnh tranh về giá. Mỗi năm, HTX Nhơn Phước xuất ra thị trường 500kg nấm linh chi, riêng với nấm sò, mỗi tháng từ 1,5 - 2 tấn. Hiện tại, ngoài 8 nhân lực cơ hữu, HTX thuê thêm 4 lao động bên ngoài.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà trồng nấm (thôn Hòa Khương Đông) được sử dụng công nghệ tự động và cơ giới hóa, anh Nhi cho biết, hiện tại, anh đang nghiên cứu và đưa vào sản xuất nấm Milky (loại nấm mới có nguồn gốc từ Ấn Độ), không chỉ cho giá trị dinh dưỡng cao mà còn làm dược liệu.

Để sản xuất loại nấm này, HTX đã thuê chuyên gia từ Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng về huấn luyện và chuyển giao công nghệ. “Học nghề ngắn hạn xong, nếu nông dân có nhu cầu mở rộng sản xuất thì địa phương sẽ hỗ trợ. Như HTX của tôi mới đây được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 100 triệu đồng không hoàn lại cùng với khu đất rộng 1.000m2 để mở rộng sản xuất”, anh Nhi nói.

Bên cạnh việc dạy nghề - giới thiệu việc làm và dạy nghề tại chỗ gắn với mô hình sản xuất, huyện cũng đã kêu gọi các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tạo điều kiện để tiếp nhận lao động của huyện vào làm việc.

Tuy nhiên, do quy mô doanh nghiệp trên địa bàn nhỏ, việc giải quyết công ăn việc làm chủ yếu là lao động thời vụ, nên một bộ phận lao động phổ thông sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố là chủ yếu, đa số lao động sau khi được tiếp nhận vào làm việc sẽ được doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề theo hướng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nghiệp vụ trong thời gian ngắn để tham gia sản xuất theo quy trình của doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Liên, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết, quán triệt thực hiện chủ đề Năm Nông nghiệp công nghệ cao, kỷ cương hành chính và thành phố 4 an, năm 2017, UBND huyện đã ưu tiên đầu tư hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại 2 xã Hòa Ninh và Hòa Phú. Dù mới thử nghiệm nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả phấn khởi, đã và đang mở ra hướng đi mới, hiệu quả cho nông nghiệp của huyện.

Đây là một trong những mô hình sẽ được tiếp tục đầu tư trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Với hướng đi phù hợp, đây cũng là cơ hội để huyện nhân rộng mô hình sản xuất gắn với dạy nghề tại chỗ cho nông dân, người lao động góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân.

Ngoài chính sách đào tạo nghề lao động, mới đây, huyện Hòa Vang đã ký kết biên bản hợp tác với quận Yeongyang, tỉnh Kyeongsanbuk - Hàn Quốc. Theo đó, huyện đã tổ chức tuyển chọn, phối hợp đưa lao động sang làm việc, học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc. Huyện đã tiến hành được 2 đợt cho 71 tu nghiệp sinh (đợt 1: 29, đợt 2: 42 người), thời gian tu nghiệp mỗi đợt là 90 ngày. Lĩnh vực người lao động làm việc chủ yếu là nông nghiệp như: trồng rau các loại, ớt, táo, thuốc lá... Người lao động sẽ được chủ trang trại bao ăn ở, làm việc tại các trang trại của Hàn Quốc. Cùng với đó, người lao động được học nghề sản xuất theo công nghệ cao và được chủ trang trại trả lương ít nhất là 1,45 triệu won/người/tháng.

Theo ông Liên, qua đánh giá đợt 1, hầu hết người lao động sau khi kết thúc đợt tu nghiệp đều phấn khởi, học tập được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung trong nước. Cụ thể, bình quân mỗi lao động thu nhập trên 80 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Đây cũng là hướng đi mới, hiệu quả. Chính vì vậy, trong tháng 11 năm 2017, lãnh đạo huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo quận Yeongyang để thương thảo chương trình tu nghiệp sinh năm 2018 theo hướng tăng số lượng để giúp người lao động, đặc biệt là lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động nông nghiệp nhàn rỗi giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo một cách bền vững.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.