Truyền cảm hứng cho người trẻ khởi nghiệp

.

Những câu chuyện và bài học trên con đường lập nghiệp được chia sẻ tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp HATCH! FAIR (do HATCH! VENTURES phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 10) đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Đà Nẵng đang bước đầu khởi nghiệp.

Anh Jimmy Phạm, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch KOTO, chia sẻ về hành trình xây dựng doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam.
Anh Jimmy Phạm, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch KOTO, chia sẻ về hành trình xây dựng doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam.

Cho đi là nhận lại

Năm 1980, anh Jimmy Phạm (người Úc, gốc Việt - Hàn) cùng mẹ và 4 anh chị em ruột di cư sang Úc. Học xong ngành Quản trị du lịch tại Trường Cao đẳng Hayton (Sydney, Úc), anh tiếp tục theo học tại Học viện Phát triển quản lý quốc tế (Lausanne, Thụy Sĩ). Với kiến thức và kinh nghiệm làm việc trong ngành du lịch và khách sạn, năm 1996, anh trở về quê hương với vai trò trưởng đoàn một hãng lữ hành nổi tiếng của Úc. Đây cũng là thời điểm anh chứng kiến cuộc sống mưu sinh vất vả, hiểm nguy của những đứa trẻ đường phố Việt Nam.

“Suốt 4 năm sau đó, tôi bỏ tiền túi ra giúp một số em đến trường. Nhưng một ngày nọ, một nhóm trẻ đường phố ở Hà Nội nói với tôi rằng: Cảm ơn anh, nhưng việc này không giúp gì cho chúng em”, anh Jimmy nhớ lại. Anh nhận thấy ngoài việc đi học, các em nhỏ này cần được đào tạo nhiều kỹ năng hơn nữa, bởi chúng cần phải lo chuyện cơm ăn áo mặc mỗi ngày.

Với sự hỗ trợ của một đầu bếp người Úc, năm 1999, anh Jimmy sáng lập tổ chức KOTO (viết tắt của “Know One, Teach One”, nghĩa là “Biết một, dạy một”). Vào thời điểm này, KOTO tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp xã hội tại Việt Nam khi vừa là trường nghề dạy nấu ăn miễn phí, vừa là chương trình học bổng cho các trẻ em đường phố theo học ngành du lịch khách sạn. Trong vòng 24 tháng, những đứa trẻ đường phố được KOTO đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ khách sạn, tiếng Anh, kỹ năng tạo quan hệ, quản lý tài chính…

Dẫu nền tảng tài chính ban đầu khá vững chắc nhưng không phải lúc nào công việc của anh Jimmy cũng thuận lợi. Anh nhớ lại: “Một năm sau khi thành lập KOTO, tôi gần như hết sạch tiền. Lúc đó, tôi đang giúp đỡ 20 đứa trẻ đường phố, chúng tôi cùng nhau sống qua ngày chỉ bằng bánh mì. Vậy mà những đứa trẻ ấy không bỏ học. Đến bây giờ, khi các em kết hôn vẫn quay lại mời mọi người ở KOTO. Những tình cảm đó còn hơn kết quả mà tôi mong đợi”.

Với hệ thống trung tâm huấn luyện và nhà hàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, KOTO hiện trở thành doanh nghiệp xã hội được công nhận trên toàn thế giới với hơn 700 học viên đã tốt nghiệp và có việc làm ở nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn tại Úc, châu Âu, Mỹ và Việt Nam. Năm 2016, KOTO trở thành doanh nghiệp xã hội đầu tiên được đăng ký tại Việt Nam sau khi Luật Doanh nghiệp mới ra đời.
Anh Jimmy từng đoạt giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào năm 2011. Con đường anh chọn thoạt nghe lạ lẫm vì thông thường các doanh nghiệp khi “ăn nên làm ra” mới tính đến chuyện tham gia hoạt động cộng đồng, còn anh kinh doanh chỉ nhằm có nguồn thu ổn định để phục vụ hoạt động xã hội. Giải thích về sự lựa chọn của mình, anh chia sẻ: “Thành công lớn nhất của tôi là thấy những đứa trẻ đường phố tự đứng vững trên đôi chân của chính mình…”.

Những bài học khởi nghiệp

Đối với ông Edward Rubesch, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp bền vững (Thái Lan), người có nhiều năm “lăn lộn” trên thương trường cũng như trong công việc nghiên cứu, lời khuyên được ông đưa ra là “Hãy tận dụng những cơ hội “hiểm hóc” để khởi nghiệp”.

Lấy ví dụ căn bệnh tiểu đường, ông Edward nói: Các nhà khoa học, các doanh nghiệp lớn sẽ nghĩ theo cấu trúc “nếu… thì…”, từ đó tìm ra cách chữa trị, phương thuốc… Nhưng nếu bạn chỉ theo đuổi một dự án khởi nghiệp nhỏ thì rất khó đi theo con đường đó mà không bị đè bẹp. Thay vào đó, hãy nghĩ đến tất cả yếu tố liên quan đến vấn đề chứ đừng chỉ đi theo lối mòn. Bạn có thể tạo ra một thiết bị đơn giản, chi phí thấp để đo lượng đường trong máu, phát triển một ứng dụng điện thoại giúp rèn luyện cơ thể hoặc kiểm soát chế độ ăn, xây dựng cộng đồng những người bị tiểu đường để họ có không gian chia sẻ… Thế giới này có rất nhiều cơ hội, hãy khám phá chúng.

Ông Edward định nghĩa về tinh thần khởi nghiệp là sẵn sàng bước ra khỏi “giới hạn an toàn”, trò chuyện với những người thuộc lĩnh vực khác mình để tìm cơ hội liên kết các lĩnh vực lại với nhau. “Nếu không như vậy, làm sao Steve Jobs có thể kết hợp tính năng giải trí vào chiếc điện thoại vốn chỉ dùng để nghe - gọi - nhắn tin được?”. Theo ông Edward, các bạn trẻ khởi nghiệp nên nghĩ lớn để tạo ra những đổi mới có tác động lớn, nhưng hãy bắt đầu từ những điều nhỏ để giảm thiểu rủi ro - vốn là điều không thể tránh khỏi.

Trước sự quan tâm của nhiều bạn trẻ đến vấn đề gọi vốn trong khởi nghiệp, bà Dương Thị Bích Hằng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khu vực miền Trung SeABank chia sẻ: “Hãy hiểu rõ dự án của mình và chứng minh tính khả thi của dự án”. Theo bà Hằng, các bạn trẻ nên rèn luyện kỹ năng thuyết trình, bởi “có nguyên liệu tốt nhưng cần biết cách xào nấu sao cho ngon và trình bày sao cho đẹp mắt thì mới thuyết phục tốt”.

HATCH! FAIR là triển lãm và hội nghị khởi nghiệp quốc tế thường niên do HATCH! VENTURES - tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu quảng bá và kết nội các hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới với Việt Nam - tổ chức.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.