Những năm qua, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) chú trọng hỗ trợ nông dân phát triển mô hình kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị, tạo việc làm cho hàng trăm nông dân sau quy hoạch, giải tỏa.
Theo tiến trình đô thị hóa, phần lớn nông dân phường Hòa Minh không còn đất sản xuất nông nghiệp. Bà con chuyển sang sinh sống bằng các nghề buôn bán nhỏ, nhiều người trẻ xin vào làm công nhân trong các khu công nghiệp, một số khác chuyển nghề nhưng không ổn định. Đặc biệt, trên địa bàn phường còn nhiều nông dân không tìm được việc làm mới, đa số là người lớn tuổi, không có cơ hội đào tạo chuyển đổi nghề.
Từ thực tế đó, nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy-UBND phường Hòa Minh đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện đô thị hóa.
Hội Nông dân phường phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm, trồng hoa, cây cảnh, trồng rau đậu ngắn ngày…; đồng thời vận động các cơ quan chức năng hỗ trợ hội viên khó khăn về vốn, giống, vật liệu sản xuất.
Từ đó, nhiều hộ nông dân chuyển đổi nghề thành công và vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như hội viên Nguyễn Thị Tâm (tổ 123) sau khi được tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm bào ngư đã lần lượt đầu tư 3 trại nấm, mỗi ngày bán được trên 50kg sản phẩm.
Chị Tâm cho biết, mỗi ký nấm bào ngư ngày thường giá 30.000 đồng; vào các dịp rằm, mồng một âm lịch giá tăng gấp rưỡi, gấp đôi và có bao nhiêu cũng bán hết. Từ sản xuất nấm, vợ chồng chị Tâm vươn lên thoát nghèo, nuôi các con ăn học chu đáo.
Nông dân Hòa Minh còn làm nhiều mô hình khác phù hợp đặc điểm phát triển nông nghiệp đô thị như nuôi chim trĩ, chim yến, bồ câu, trồng hoa, cây cảnh các loại… Được chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, bà con nông dân vận dụng tốt tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều người tận dụng các khu đất chưa xây dựng công trình để canh tác, không chỉ tạo thu nhập cho gia đình mà còn góp phần làm sạch đẹp môi trường. Tiêu biểu như tổ trồng hoa cúc ở khu vực Hòa Phú 1, do bà Nguyễn Thị Tám làm tổ trưởng, đã biến cả vùng đất chưa xây dựng thành một vùng hoa quanh năm rực rỡ sắc màu như một điểm nhấn về cảnh quan đô thị. “Hoa cúc nơi đây có bán thường xuyên, riêng vụ Tết Mậu Tuất 2018, mỗi hộ bán được hơn 200 triệu đồng”, bà Tám bộc bạch.
Trên địa bàn Hòa Minh đã hình thành 1 chi hội sinh vật cảnh, 1 tổ sản xuất nước mắm, 1 tổ thương mại-dịch vụ, 2 tổ trồng nấm và 2 tổ trồng hoa-cây cảnh, với tổng số hơn 200 lao động có việc làm thường xuyên. Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Hồ Biết, thời gian tới, toàn phường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tăng cường hỗ trợ hội viên phát triển nông nghiệp đô thị và chú trọng đào tạo nghề mới phù hợp với thực tế.
LÊ VĂN THƠM