Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành du lịch của Đà Nẵng được đặt ra, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư, hạn chế lớn nhất của ngành du lịch Đà Nẵng là các dịch vụ hỗ trợ manh mún, nghèo nàn và thiếu chuyên nghiệp; chưa giữ chân cũng như kích thích nhu cầu mua sắm của du khách.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch thành phố cho rằng, mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng chất lượng và quy mô của các dịch vụ hỗ trợ ngành du lịch trên địa bàn còn quá ít ỏi. Du khách thiếu thông tin cũng như địa điểm để mua sắm, vui chơi, giải trí.
Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nhiều năm gần đây. (Ảnh chụp tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng). Ảnh: MẪU ĐƠN |
Với mong muốn thành phố xây dựng được “hệ sinh thái” phong phú, đa dạng xoay quanh trục phát triển du lịch, ông Nguyễn Sĩ Cương (Việt kiều đầu tư tại Đà Nẵng) cho rằng: “Đà Nẵng nên tiếp tục xác định du lịch là ngành mũi nhọn để đầu tư và phát triển.
Đi kèm với đó là các dịch vụ vệ tinh bao quanh như giáo dục, y tế đạt chuẩn quốc tế. Xu thế hiện nay đi du lịch không chỉ đi chơi mà còn kết hợp nhiều nhu cầu khác từ khám chữa bệnh, tìm hiểu về môi trường giáo dục…
Đà Nẵng cơ bản đã có cơ sở hạ tầng ở các lĩnh vực này, nên tập trung phát triển hơn nữa, vươn tầm một đô thị quốc tế. Tôi hy vọng không chỉ bản thân tôi mà 20 năm sau, các con cháu của tôi cũng muốn quay về Đà Nẵng sinh sống”.
Theo ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch biển VinaCapital, thời gian qua, Đà Nẵng đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn và thương hiệu lớn từ trong và ngoài nước. Điều này cũng gây sức ép lên thành phố cần nhanh chóng hình thành các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp nhằm đáp ứng lượng khách đến ngày càng đông, trong đó không thiếu phân khúc khách hạng sang.
Hiện nay, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đang tiến hành nâng cấp dịch vụ, tập trung ở phân khúc cao cấp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sự gắn kết với các tỉnh, thành phố lân cận nhằm tạo chuỗi cung cấp các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn với mục tiêu thu hút du khách đến và mua sắm tại Đà Nẵng trong hành trình khám phá của họ.
“Chúng ta đang thiếu những không gian văn hóa và những kịch bản hấp dẫn để phục vụ du khách. Đơn cử, Đà Nẵng cũng có các làng nghề truyền thống nhưng chưa có một đơn vị nào đứng ra tái tạo nó thành một mô hình thu nhỏ để trở thành một sản phẩm hút khách”, ông Phúc nói.
Thực tế cho thấy, việc chủ động cung cấp các dịch vụ cao cấp nhằm đón đầu làn sóng đầu tư của các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng là cách để đẩy mạnh phát triển dịch vụ hỗ trợ của ngành du lịch Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã sớm nắm bắt nhu cầu của khách hàng, từ đó có sự chuẩn bị dài hơi cho kế hoạch kinh doanh.
Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và thương mại VN Đà Thành đã hoàn tất việc mua sắm một loạt xe “siêu sang” nhằm trung chuyển hành khách từ sân bay Đà Nẵng vào các điểm giải trí hấp dẫn như khu casino ở nam Hội An, khách VIP đến các khu nghỉ dưỡng lớn trong và ngoài thành phố…
Để thúc đẩy phát triển du lịch, khắc phục những hạn chế của công nghiệp hỗ trợ du lịch, Sở Du lịch sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án du lịch phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố và của ngành như: các khu chợ đêm, phố đêm, phố đi bộ, cụm mua sắm - ẩm thực - giải trí quy mô lớn, các điểm đến du lịch đường thủy nội địa, khu vực trưng bày sản phẩm lưu niệm tập trung tại một số điểm tham quan...
Ngoài ra, cần tổ chức các cuộc thi xây dựng sản phẩm du lịch nhằm bổ sung thêm các sản phẩm du lịch hiện có phục vụ khách, nhất là khách nước ngoài. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sản phẩm du lịch mới khác biệt; hỗ trợ, phối hợp với các ngành, địa phương đẩy nhanh các dự án du lịch đi vào hoạt động để tạo sản phẩm du lịch phục vụ du khách; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng dân cư cùng tham gia các hoạt động phát triển du lịch.
MẪU ĐƠN