Sớm giải bài toán ùn tắc giao thông

Bài cuối: Đầu tư bãi đỗ xe, phát triển phương tiện giao thông công cộng

.

Để giải bài toán ùn tắc giao thông, bên cạnh xây dựng, cải tạo các nút giao thông, thành phố cần đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cùng với việc phát triển phương tiện giao thông công cộng.

Thiếu bãi đỗ xe, nhiều xe du lịch phải đậu dưới lòng đường.
Thiếu bãi đỗ xe, nhiều xe du lịch phải đậu dưới lòng đường.

Nhiều dự án bãi đỗ xe triển khai quá chậm

Nhiều năm qua, trong bối cảnh quỹ đất đô thị của thành phố quá eo hẹp, để mở rộng không gian và giảm bớt áp lực lên hệ thống giao thông tĩnh, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy nhanh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý các bãi đỗ xe.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các quận, huyện chủ động rà soát thực tế các khu đất, nhất là các lô đất trống để kiến nghị với Sở GTVT, Sở Xây dựng tham mưu thành phố chuyển đổi mục đích sử dụng thành bãi đỗ xe công cộng.

Tuy nhiên, đến nay mạng lưới bãi đỗ xe trên toàn thành phố còn khá ít với 2 bến xe khách, 6 bến xe buýt nhanh và 17 bãi đỗ xe ( đạt tỷ lệ khá thấp 9,82%). Cụ thể, quận Hải Châu có 7 bãi đỗ, Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang mỗi quận 2 bãi đỗ và Sơn Trà là 4 bãi đỗ xe...

Theo tính toán, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh được đưa vào sử dụng mới chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe; nghĩa là cứ 10 chiếc xe thì đến 9 chiếc không biết đỗ, gửi ở đâu.

Mạng lưới giao thông tĩnh của thành phố hiện đang rơi vào tình trạng quá tải, nhất là các quận, huyện trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Đáng chú ý, trên địa bàn các quận phát triển mạnh về du lịch với lượng khách đến ngày càng đông như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, số lượng bãi đỗ xe công cộng quá hạn chế, thậm chí chưa triển khai xây dựng điểm đỗ nào như ở Ngũ Hành Sơn.

Trong khi đó, rất nhiều dự án bãi đỗ xe được quy hoạch, kể cả bãi đỗ xe ngầm và nổi đều triển khai quá chậm và sau thời gian dài triển khai vẫn giậm chân tại chỗ. Đây cũng là nguyên nhân tạo áp lực căng thẳng trong hệ thống giao thông tĩnh trên toàn thành phố hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, trong khi dân số và lượng phương tiện giao thông tăng chóng mặt (đã đạt hơn 936.400 xe) thì mạng lưới giao thông tĩnh của Đà Nẵng gần như đã “hụt hơi”, toàn thành phố mới có 17 bãi đậu đỗ xe là quá ít ỏi.

Chính vì vậy, việc đầu tư thêm các bãi đậu đỗ xe là cấp thiết. Tuy nhiên, thực tế không nhiều nhà đầu tư “mặn mà” với lĩnh vực này. Trong 94 bãi đỗ xe mà thành phố quy hoạch sẽ xây dựng đến năm 2020 chỉ có 34 bãi đỗ xe được các nhà đầu tư quan tâm, số còn lại do thành phố đầu tư.

Riêng 17 bãi đỗ xe đã xây dựng, chỉ có 3 bãi đỗ do nhà đầu tư triển khai nhưng cũng trong tình trạng còn dang dở...

Theo thống kê của Sở GTVT thành phố, các bãi đỗ xe theo quy hoạch vẫn đảm bảo quỹ đất, chỉ một vài bãi đỗ phải điều chỉnh theo quy hoạch.

Chẳng hạn như các bãi đỗ ở quận Sơn Trà (do rà soát cùng với các dự án ở bán đảo Sơn Trà), một bãi đỗ vướng thủ tục do liên quan đến khu vực đất Tập đoàn Thiên Thanh, một bãi đỗ vướng đất quốc phòng là bãi xe TK8, khu vực phía bắc Sân bay (phường Hoà Khê, quận Thanh Khê).

Một bãi đỗ không còn đất là Bến xe vận tải số 2, nằm tại khu vực phía nam Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) do phân lô cho doanh nghiệp.

Để giải quyết bài toán về áp lực của hệ thống giao thông tĩnh như hiện nay, ngày 21-7-2015, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5216/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống giao tĩnh thành phố Đà Nẵng đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, hướng đến xây dựng các bãi đỗ ô-tô cho các khu vực đô thị đảm bảo chỉ tiêu 2-4% đất xây dựng đô thị, hình thành mạng lưới giao thông tĩnh bao phủ đều trên diện tích xây dựng đô thị. Đối với khu vực đô thị cũ, do quỹ đất bị hạn chế nên phải tận dụng tối đa các điểm đỗ, bãi xe đã có, chuyển đổi chức năng sử dụng một số khu đất để xây dựng bãi đỗ xe công cộng.

Mục tiêu đến năm năm 2020, toàn thành phố có 1.310.567m2 đất dành cho giao thông tĩnh và đến năm 2030 sẽ có gần 4 triệu m2 đất; 2 bến xe khách liên tỉnh; 5 bến xe tải; 6 bến xe buýt nhanh và 167 bãi đỗ xe công cộng.

Sớm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng

Cùng với việc thúc đẩy đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe thì phát triển giao thông công cộng, trong đó xe đạp công cộng là một trong những lời giải được thành phố quan tâm. Mới đây, thành phố đã phê duyệt đề án “Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng”.

Đây được xem là một trong những hướng giải quyết mang tính lâu dài và căn cơ khi không chỉ góp phần làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông mà còn giảm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn.

Hiện nay, thành phố có khá nhiều loại hình cho thuê phương tiện phục vụ du khách đến Đà Nẵng, trong đó có dịch vụ cho thuê xe đạp. Tuy nhiên, chủ yếu do tư nhân quản lý, quy mô còn manh mún, chưa phát triển thành hệ thống hoàn chỉnh.

Đây chính là dư địa để kêu gọi đầu tư. Theo lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, để thu hút được nhiều người dân và du khách sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng, phát huy được ưu thế trong định hướng phát triển giao thông của Đà Nẵng thì mạng lưới xe đạp này phải có khả năng kết nối tốt và các yếu tố tổ chức giao thông hợp lý.

Việc thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng không chỉ mục đích phục vụ riêng cho du lịch, mà còn thu hút người dân sử dụng xe buýt. Người dân sẽ không phải đi bộ đến trạm đón xe buýt, thay vào đó là lấy xe đạp di chuyển từ trạm này sang trạm khác.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương bắt tay ngay vào triển khai mô hình này. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ và đã được 5 thành phố lớn trên cả nước triển khai thí điểm, gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Đến nay, Đà Nẵng đã có những hoạch định khởi đầu cho dự án này. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 đầu tư 30 trạm, với 360 xe (trung bình 12xe/trạm). Giai đoạn 2021-2025 đầu tư thêm 37 trạm, nâng tổng số trạm lên 67 trạm, với 804 xe. Giai đoạn 2026-2030 đầu tư thêm 61 trạm, nâng tổng số lên 98 trạm, với 1.176 xe.

Đồng thời, đưa ra 2 phương án phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương gồm, phương án 1: bố trí trạm cho thuê xe đạp đặt trong nhà, tại các điểm thu hút đã được xác định; phương án 2: bố trí trạm cho thuê xe đạp ở ngoài trời, gần hoặc tại vị trí điểm dừng xe buýt, các khu vực đất công cộng.

Sở GTVT đang khẩn trương phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan, các nhà thầu gấp rút triển khai giai đoạn 1, (2016-2020). Dự kiến 30 trạm sẽ được đặt ở các điểm như:

Trung tâm hành chính thành phố; điểm dừng xe buýt số 230 Đống Đa; điểm dừng xe buýt số 189 Trần Cao Vân; nút giao Trần Cao Vân - Hà Huy Tập; Siêu thị Ánh Sáng Điện Biên Phủ; đường Điện Biên Phủ, góc Công viên 29-3; điểm dừng xe buýt số 155 Lê Duẩn; Chợ Cồn; Chợ Hàn; Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng...

“Chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng xe đạp công cộng tại Đà Nẵng cũng như học tập kinh nghiệm từ các thành phố khác ở Việt Nam và trên thế giới trong việc sử dụng dịch vụ này. Từ đó đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới xe đạp công cộng, phù hợp cho Đà Nẵng từ vị trí đặt trạm cho thuê xe đạp, vị trí bãi đỗ xe, cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp để kết nối với các trạm cho thuê...”, ông Trung cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố:

Việc đặt các trạm cho thuê xe đạp công cộng nên tập trung các địa điểm thu hút một lượng lớn người dân và khách du lịch bao gồm các khu vực chợ Cồn, chợ Hàn, khu Trung tâm hành chính thành phố, các trường đại học, khu vực hai bên bờ sông Hàn (gần cầu Sông Hàn, cầu Rồng).

Các khu vực bờ biển như bãi tắm Phạm Văn Đồng, bãi tắm Mỹ Khê... để người dân và khách du lịch nhất có thể tiếp cận dễ dàng. Thành phố Đà Nẵng đang có 6 tuyến buýt hoạt động và trong thời gian tới 5 tuyến buýt mới cùng với tuyến BRT đầu tiên của thành phố sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Theo đó các trạm đặt cho thuê xe đạp cũng phải đảm bảo khả năng tiếp cận với khoảng cách hợp lý tới các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển và điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt.

Chị Trần Lê Khánh (khách du lịch):

Ở một số nước có hệ thống giao thông phát triển trên thế giới người dân có thể sử dụng xe đạp để di chuyển đến các khu vực khác nhau trong thành phố, thị trấn như ở Paris (Pháp), Montreal (Canada) hay Copenhagen (Đan Mạch).

Việc bố trí đường dành riêng, đường ưu tiên cho xe đạp giúp cho việc sử dụng xe đạp dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều. Ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng chưa có đường riêng nên mọi người lo ngại độ an toàn của xe đạp chưa cao nên khả năng tiếp cận dịch vụ này ban đầu sẽ hạn chế.

Do đó, bên cạnh việc đặt trạm Đà Nẵng cũng nên triển khai làn đường riêng cho xe đạp.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam:

Các đô thị lớn trên thế giới được quy hoạch khu vực trung tâm thành các tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm tài chính – ngân hàng, thương mại, du lịch lớn…

Cùng với đó, tiến hành giải quyết hài hòa giữa việc di dời dân ra các vùng lân cận; quy hoạch hệ thống giao thông đô thị, các bãi đỗ xe công cộng, các đường hầm xuyên các nhà cao tầng; hạn chế xe máy, xe ô tô mà ưu tiên cho xe đạp và đi bộ...

Đối với Đà Nẵng, theo tôi cần từ 10-20 năm thì các ý tưởng này mới khả thi. Ở nhiều nước phát triển, không gian ngầm và trên cao được tận dụng rất tốt để phục vụ lưu thông và giao thông tĩnh.

Trong hoàn cảnh hiện nay, đó là những hướng đi khả thi nhất cho giao thông tĩnh của Đà Nẵng nên tính đến.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.
.