Doanh nghiệp được tự chủ quyết định chính sách tiền lương

.

Trong Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp dự kiến trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) tới đây đề cập đến nhiều điểm mới trong chế độ tiền lương.

Đề án cũng nêu rõ mục tiêu thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó nhấn mạnh đến việc giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp (DN).

Tiết kiệm mới đủ sống

Đà Nẵng là địa phương thu hút lực lượng lao động lớn làm việc ở các khối DN gồm: Nhà nước, tư nhân và FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Tuy nhiên, với mặt bằng thu nhập chung hiện nay, nguồn lương chi trả cho phần đông lao động chưa bảo đảm nhu cầu chi tiêu ngày một cao của người dân. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đời sống của nhiều công nhân, người lao động đang làm việc trong các DN trên địa bàn thành phố còn khó khăn.  

Trong căn phòng trọ có diện tích chỉ khoảng 35m2, vợ chồng chị Hồ Thị Mai Thoa (quê Quảng Trị) sống cùng đứa con nhỏ chưa tới 2 tuổi. Cả 2 vợ chồng chị đều làm công nhân của một công ty sản xuất đồ chơi trong KCN Hòa Khánh gần 4 năm nay với mức lương hằng tháng gần 6,5 triệu đồng/người.

“Chừng ấy chỉ tạm đủ cho một cuộc sống không thiếu ăn, thiếu mặc vì ngoài tiền lương, hai vợ chồng tôi không có thêm bất cứ nguồn thu nhập nào khác. Hằng tháng, ngoài trả tiền phòng trọ, tiền gửi con đi nhà trẻ, tiền xăng xe, ma chay, cưới hỏi…, vợ chồng tôi còn gửi tiền về cho bố mẹ già ở quê nên chẳng dư được đồng nào, dù chúng tôi tiết kiệm lắm rồi. Mỗi khi muốn mua sắm thêm vật dụng gì trong nhà từ 500.000 đồng trở lên đều phải tích cóp cả mấy tháng trời”, chị Thoa cho hay.

Đối với một thanh niên chưa lập gia đình như anh Nguyễn Hữu Hùng (quê ở Thanh Hóa), đang làm công nhân nhà máy sản xuất bột giấy ở KCN Hòa Khánh, số tiền lương chưa tới 7 triệu đồng/tháng là khá eo hẹp.

Theo anh Hùng, lương hằng năm tăng không bao nhiêu trong khi giá cả thị trường ngày càng biến động. Không yên tâm về mặt tài chính nên năm nay, dù gần 30 tuổi nhưng anh Hùng khá e dè khi nhắc đến chuyện lập gia đình. “Mỗi năm, tôi cũng ít về quê vì tiền lương chưa nuôi nổi thân lấy đâu để về quê. Mỗi lần về cũng phải có chút quà cáp cho cha mẹ, bà con, bạn bè, tốn kém lắm”, anh Hùng chia sẻ.

Nhiều công nhân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trao đổi về vấn đề lương đều cho rằng, mong muốn lớn nhất của họ là tiền lương phải bảo đảm mức đủ sống, tầm 8 triệu đồng trở lên/người/tháng. Đi kèm đó là điều kiện công việc phải ổn định và giá cả không “leo thang” mỗi khi lương tăng lên.

Hiện nay ở khu vực DN dân doanh, mức lương ở các đơn vị thuộc diện “ăn nên làm ra” cũng chỉ dao động tầm từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ô-tô Hồng Sơn Star Đà Nẵng cho biết, mức lương trả cho nhân viên tại đơn vị trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty còn có chế độ thưởng vào các dịp Tết, lễ lớn của cả nước…

Trong khi đó, tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường mức lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Hay ở Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng H.S mức lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng…

Cải cách tiền lương để nâng cao mức sống

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, tiền lương bình quân năm 2017 của người lao động thuộc loại hình DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước là 6,946 triệu đồng/tháng, thuộc loại hình công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ là 6,443 triệu đồng/tháng, thuộc loại hình DN FDI là  6,138 triệu đồng/tháng và thuộc loại hình DN dân doanh 6,059 triệu đồng/tháng.

Đối với các DN trong khu công nghiệp, tiền lương bình quân năm 2017 của người lao động thuộc loại hình công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ là 12,664 triệu đồng/tháng, thuộc loại hình DN FDI là  6,81 triệu đồng/tháng, thuộc loại hình DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước là 6,582 triệu đồng/tháng và thuộc loại hình DN dân doanh 6,33 triệu đồng/tháng.

Nhìn một cách bao quát, chính sách tiền lương trong bối cảnh hiện nay chưa làm người lao động gắn bó với công việc. Anh Đặng Văn N. (Giám đốc công ty BĐS tại Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) nhìn nhận: “Thật khó để giữ chân nhân viên của mình vì người lao động luôn dòm trước, ngó sau và so sánh mức lương ở đâu cao hơn thì họ nhảy việc.

Về phía chủ DN thì bao giờ cũng muốn nhân viên gắn bó lâu dài để phát triển, nhưng rõ ràng chúng tôi cũng phải cố gắng cân đối nguồn thu – chi để DN bảo đảm tồn tại. Rõ ràng với nhu cầu đời sống ở thành phố Đà Nẵng, mức lương 5-6 triệu đồng là không dễ thở chút nào…”.

Thực tế ở không ít DN, người lao động làm việc nhiều năm nhưng không được nâng bậc lương cũng như phụ cấp. Chỉ khi nào lương tối thiểu vùng tăng theo điều chỉnh từ phía Nhà nước thì người lao động mới được tăng theo tỉ lệ tương ứng hoặc tăng theo mức cố định nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Do vậy, thu nhập của phần đông người lao động chưa giúp cải thiện mức sống ở đô thị loại 1 như Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Công ty Thương mại - Xây dựng Hà Phan (quận Liên Chiểu) cho rằng, Đề án cải cách chính sách tiền lương sắp trình hội nghị tới đây có đề cập việc DN được tự chủ quyết định chính sách tiền lương là tín hiệu rất đáng mừng.

Từ đây, DN sẽ tự xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp với điều kiện thực tế của từng DN để chi trả lương và thực hiện chế độ bảo đảm với người lao động, kéo dần khoảng cách giữa người giàu và người nghèo hơn trước.

Th.S Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư – tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt: Doanh nghiệp được tự chủ quyết định chính sách tiền lương là bước cải cách mới để tăng thu nhập của người lao động

Theo đề án, khu vực DN (kể cả DN 100% vốn Nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của DN.

Đây là bước cải cách mới để DN triển khai thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động; giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của DN.

Tuy nhiên, DN ngoài Nhà nước lâu nay vẫn tự chủ trả lương căn cứ theo thị trường lao động và độ phức tạp trong công việc. Còn đối với DN Nhà nước, nếu giao quyền thì phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ mất dần vốn và giải thể là điều không tránh khỏi.

Hiện nay, lương tối thiểu vùng của DN thấp nhất là gần 2,8 triệu đồng. Thế nhưng, chúng tôi áp dụng mức lương cao hơn gấp 2 lần để người lao động đủ sống và yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty.

Thành Lân ghi

Khánh Hòa – Diệp Như

;
.
.
.
.
.
.