Trước thềm Hội nghị Trung ương 7, khóa XII

Lương phải là thu nhập chính

.

Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã được báo cáo Bộ Chính trị để trình tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII sắp đến. Thông tin này được đông đảo người lao động đón nhận với tâm lý phấn khởi và hy vọng khi áp dụng khung lương mới thì sẽ sống được bằng lương.

Cán bộ , công chức hy vọng lương sẽ nâng lên rõ rệt để cải thiện đời sống.  Trong ảnh: Giao dịch tại Bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính TP.Ảnh: SƠN TRUNG
Cán bộ , công chức hy vọng lương sẽ nâng lên rõ rệt để cải thiện đời sống. Trong ảnh: Giao dịch tại Bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính TP.Ảnh: SƠN TRUNG

Đề án cải cách chính sách tiền lương gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, đề án đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và thưởng mới bao gồm mức lương cơ bản, chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương và tiền thưởng tương đương 10% tổng quỹ lương (ngoài quỹ lương). Ngoài việc xác định tiền lương phải là thu nhập chính thì đề án còn cho phép thực hiện khoán quỹ lương.

Y sĩ Huỳnh Thị Thủy, Trưởng trạm Y tế phường Mân Thái (quận Sơn Trà) tỏ ra rất vui: “Tôi gần đến tuổi nghỉ hưu, nhưng trước thông tin cải cách tiền lương, tôi thấy mừng cho những người làm y tế cơ sở như mình.

Lấy ví dụ, bản thân tôi đến nay có thâm niên 27 năm công tác trong nghề, hưởng bậc lương 12 - bậc cuối cùng của ngành nhưng cũng chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Cộng cả các khoản khác như trợ cấp trách nhiệm, hỗ trợ từ các chương trình y tế quốc gia…, tính ra thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng.

Đây là mức thu nhập cao nhất tại trạm, nhưng tôi phải tính toán rất kỹ mới cân đối được thu chi trong tháng. Khó khăn nhất là đối với nhân viên hợp đồng. Tiền lương mỗi tháng trung bình chỉ có 1,9 triệu đồng, cộng thêm thu nhập từ các nguồn khác gần 1 triệu đồng, thành tổng thu nhập gần 3 triệu đồng là quá khó khăn, nhất là khi họ đã có gia đình”.

Người lao động mong muốn chính sách tiền lương được cải thiện tích cực hơn nữa để đảm bảo cuộc sống. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại chuyền may của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: DIỆP NHƯ
Người lao động mong muốn chính sách tiền lương được cải thiện tích cực hơn nữa để đảm bảo cuộc sống. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại chuyền may của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: DIỆP NHƯ

Chung suy nghĩ này, PGS, TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, đây có thể nói là bước ngoặt quan trọng đối với những cán bộ, công nhân, viên chức đang hưởng lương Nhà nước.

Thời gian qua, đã có nhiều lần Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh lương theo hướng nâng lương cơ bản; tuy nhiên, sự điều chỉnh này không cải thiện được thu nhập cho người lao động mà mới chỉ “bù trượt giá”.

Vì vậy, mới nảy sinh tâm lý cứ mỗi lần lương tăng thì giá cả trên thị trường cũng tăng theo. Mục tiêu của cuộc cải cách tiền lương lần này là hướng đến “tiền lương phải là thu nhập chính”. Chứ như hiện nay, ngay cả những người có học vị tiến sĩ cũng vô cùng vất vả nếu chỉ sống bằng lương.

Theo quy định hiện hành, một giảng viên của trường có học vị tiến sĩ, mức lương khởi điểm có hệ số 2,34, cộng với một số khoản khác thì thu nhập cũng chỉ mới khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chỉ có giảng viên có thâm niên công tác mới đạt mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.

Đây là mức thu nhập chưa tương xứng. Với việc cải cách tiền lương lần này, hy vọng thu nhập của những người lao động trí óc sẽ được cải thiện rõ rệt để họ toàn tâm toàn ý giảng dạy và nghiên cứu.

Chị N.T.H (26 tuổi), người vừa giành được học bổng Lý Quang Diệu và sẽ sang Singapore học một năm về Quản lý công, thì khẳng định: “Thông tin cải cách tiền lương sẽ làm cho những người như tôi suy nghĩ lại việc nên hay không nên rời cơ quan Nhà nước”.

5 năm trước, chị N.T.H, nhận  bằng thạc sĩ sau 6 năm du học ở Úc và về nước công tác tại một đơn vị nghiên cứu trên địa bàn thành phố với mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm công tác, con số này đã nâng lên trên… 3 triệu đồng/tháng.

Chị tâm sự rất thật: “6 năm học tại Úc tốn kém rất nhiều tiền của gia đình, thế nhưng khi về thành phố làm việc thì bản thân tôi còn không nuôi nổi bản thân, lấy đâu lo cho ba mẹ đã nhiều năm vất vả vì mình. Với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, tôi chỉ vừa đủ lo tiền xăng, ăn sáng, còn lại đều phải “ngửa tay” xin ba mẹ.

Chính điều này khiến tôi quyết định “săn” học bổng Lý Quang Diệu của Chính phủ Singapore, mặc dù chưa biết sẽ làm gì nhưng trước mắt tôi thoát được cảnh lương không đủ sống. Mới đây tôi được biết tại Hội nghị Trung ương 7 sẽ xem xét đến Đề án cải cách chính sách tiền lương, tôi rất tin vào từ “cải cách” chứ không phải “nâng lương” như trước đây. Phải “cải cách” tiền lương thì khu vực Nhà nước mới thu hút và giữ chân được người có năng lực và có trách nhiệm với công việc một cách lâu dài”.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.