Tạo thêm quỹ đất cho doanh nghiệp

.

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 30.000 doanh nghiệp (DN), vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng, đất đai cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là vấn đề hết sức cấp thiết. Mới đây, thành phố đã giao các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát lại nhu cầu của DN để làm cơ sở bố trí quỹ đất.

Doanh nghiệp sẽ khó phát triển nếu điều kiện mặt bằng sản xuất chật hẹp. Ảnh: hoàng hiệp
Doanh nghiệp sẽ khó phát triển nếu điều kiện mặt bằng sản xuất chật hẹp. Ảnh: hoàng hiệp

Khó khăn tìm đất

Kết quả điều tra khảo sát PCI năm 2017 cho thấy, mặc dù chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Đà Nẵng đã được cải thiện tích cực so với cả nước, nhưng vẫn còn không ít “nỗi lo” về tỷ lệ DN có đất giảm so với năm 2016.

Bên cạnh đó, việc thay đổi khung giá đất không phù hợp; khó khăn về thủ tục hành chính đất đai; việc giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch cho đầu tư dự án còn chậm; chưa công khai minh bạch, đầy đủ thông tin về đất đai… là những rào cản khiến DN “đau đầu” trong thời gian qua.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng, một trong những vấn đề DN, nhà đầu tư mong muốn là có sự ổn định về giá thuê đất, sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp (KCN) do thành phố đầu tư.

Đối với những KCN do tư nhân đầu tư, thành phố cần có cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động cho thuê hạ tầng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN đầu tư hạ tầng cho thuê và DN đi thuê. Bởi vì, hoạt động cho thuê, đi thuê hạ tầng công nghiệp giữa DN đầu tư hạ tầng và DN sử dụng hạ tầng khá đặc thù.

Đó là khi DN đầu tư và xây dựng nhà xưởng tại KCN thì không dễ di chuyển nhà xưởng đến nơi khác, khi mà giá thuê sử dụng hạ tầng bị các DN đầu tư đưa ra quá cao. Và ngược lại, nếu giá sử dụng hạ tầng quá thấp thì DN đầu tư KCN không thể thu hồi vốn để tái đầu tư...

Quỹ đất hạn hẹp không chỉ là “bài toán” khó của các DN thành phố, ngay cả các DN nước ngoài cũng đối mặt với hiện trạng muốn đầu tư nhưng khó thuê đất theo nhu cầu. Đơn cử, một số DN Nhật Bản gần đây mong muốn thành phố xem xét khả năng cho thuê các khu đất có diện tích nhỏ hơn ở trong các KCN từ 3.000m2 để bắt đầu đầu tư từ quy mô nhỏ.

Thậm chí, các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản còn đề xuất, so với việc thuê nhà xưởng, nếu có định hướng phát triển trong tương lai, việc trực tiếp xây dựng nhà xưởng về mặt chi phí có lợi ích lớn hơn. Do đó, nếu thành phố cho nhà đầu tư sự lựa chọn (xây dựng nhà xưởng hay thuê nhà xưởng) thì sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư quan tâm đầu tư tại thành phố.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Ban quản lý các KCN và chế xuất cho hay, hiện nay chỉ có KCN Hòa Cầm là có thể bố trí các dự án có diện tích từ 3.000m2. Theo đó, Ban quản lý sẽ xem xét dựa trên quy mô dự án, dây chuyền công nghệ sản xuất và các yếu tố về quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Đối với việc xây dựng nhà xưởng cho DN thuê để sản xuất, mở rộng mặt bằng, thành phố đã có chủ trương và đã giao cho cơ quan chức năng triển khai thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư.

Sớm giải quyết nhu cầu quỹ đất cho doanh nghiệp

Ngày 12-7 vừa qua, UBND thành phố có Công văn số 6362 đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố cũng yêu cầu Ban quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các quận, huyện rà soát, lập báo cáo cân đối về quỹ đất tại các KCN, cụm công nghiệp (CCN) và nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các DN. Qua đó, đề xuất lộ trình, hướng xử lý, di dời các DN ở khu dân cư vào các KCN trong thời gian tới. 

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, theo thống kê của sở, tổng quỹ đất chưa sử dụng trong các KCN và phần đất các dự án chậm triển khai được đề xuất để thu hồi khoảng hơn 1.000ha.

Thành phố đang hoàn thiện thủ tục để hình thành các KCN mới gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 (quận Cẩm Lệ), KCN Hòa Nhơn và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với tổng diện tích gần 1.000ha. Dự kiến khi hình thành, các KCN này sẽ góp phần giải quyết hiệu quả nhu cầu về mặt bằng cho DN.

“Hiện nay, nhu cầu về mặt bằng của DN rất lớn và đa dạng. Việc bố trí quỹ đất cho DN nhằm 2 mục đích là đầu tư mới để mở rộng hoạt động sản xuất và di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Đến thời điểm này, trung bình mỗi quận đã có hàng trăm DN đăng ký vào danh sách hỗ trợ về mặt bằng với diện tích từ vài trăm mét vuông đến hàng chục héc-ta”, bà Mai nói.

Trong kỳ họp HĐND vừa qua, thành phố đã thông qua chủ trương xây dựng CCN Cẩm Lệ với diện tích gần 30ha, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng hơn 200 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương có số lượng DN đăng ký nhu cầu về đất đai, mặt bằng rất lớn với gần 500 đơn vị.

Chủ trương hình thành CCN Cẩm Lệ là tin vui đối với cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn quận vì mặt bằng vốn là nhu cầu bức thiết trong nhiều năm qua.

Ông Phạm Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ bày tỏ, dù đã có chủ trương nhưng quận còn đợi quyết định từ lãnh đạo thành phố mới công khai cho cộng đồng DN quận việc đăng ký thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng.

“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện đề án liên quan đến CCN quận Cẩm Lệ. Việc này không chỉ có ý nghĩa đối với DN mà cũng góp phần kích thích tăng trưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của quận”, ông Sơn nói.

Còn Bí thư quận ủy Liên Chiểu Võ Công Chánh cho biết, thực hiện “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” của thành phố, quận Liên Chiểu có các chính sách mời gọi DN từ các địa phương khác về hoạt động trên địa bàn quận.

“Không phải đến bây giờ mà hằng năm, quận đều rà soát quỹ đất để đề xuất, bố trí mặt bằng cho các DN có nhu cầu thực sự. Phía quận cũng đề xuất bố trí DN sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư vào các cụm, KCN để đảm bảo nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh, doanh lâu dài của DN. Về tiến độ triển khai thành lập các CCN Hòa Khánh Nam và Hòa Hiệp Bắc, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018-2019”, ông Chánh thông tin.

DIỆP NHƯ - KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.