Mặc dù nợ công đang trong giới hạn cho phép, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại khi chi thường xuyên vẫn chiếm đến 2/3 tổng chi ngân sách nhà nước.
Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 7, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 775.015 tỷ đồng, bằng khoảng 58,7% dự toán, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 621.575 tỷ đồng - bằng 56,5% dự toán, tăng 14,3%; thu từ dầu thô ước đạt 35.353 tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán, tăng 34,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 115.970 tỷ đồng, bằng 64,8% dự toán, tăng 3,6%.
7 tháng năm 2018, thặng dư ngân sách đạt 15.290 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT) |
Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 759.725 tỷ đồng, bằng khoảng 49,9% dự toán, tăng 9,8%. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 150.455 tỷ đồng, bằng khoảng 37,6% dự toán, chi thường xuyên không bao gồm chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế ước đạt 534.073 tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán.
Như vậy, 7 tháng năm 2018, thặng dư ngân sách đạt 15.290 tỷ đồng.
Nợ công trong giới hạn cho phép
Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong giới hạn cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn (chỉ tiêu nợ công trên GDP năm 2016 là 63,7%; ước thực hiện năm 2017 ở mức 61,4% và dự kiến đến cuối năm 2018 khoảng 61-62%).
Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận, một trong những thành công nhất của Bộ Tài chính là kiểm soát rất chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công đạt kết quả rất tốt, và đây chính là yếu tố Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm và đánh giá tích cực về kinh tế của Việt Nam. Năm 2015, nợ công sát trần khoảng 64,8%, nay còn 61,3%. Kỳ hạn trái phiếu trước đây 2,3 năm, nay kéo dài hơn.
“Nợ công đã từng bước được cơ cấu lại, đã dần chuyển nợ ngoài nước thành trong nước, nợ ngắn hạn thành dài hạn, lãi suất cao thành lãi suất thấp, giảm áp lực nợ công nhiều”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tình hình nợ công đến tháng 6/2018 không còn “bi quan” như trước. Tính đến 30/6/2018, đã phát hành đạt 30,9% kế hoạch, tiếp tục tập trung vào các kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên, không phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn 3 năm. Dư nợ bảo lãnh nước ngoài có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, mặc dù các chỉ số an toàn nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, quy mô nợ công nhìn chung đang tiệm cận giới hạn được Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP). Điều này xuất phát chủ yếu từ áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh.
Trong khi đó, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và phải dần tiếp cận với các khoản vay nước ngoài kém ưu đãi, vay thương mại. Việc Chính phủ tập trung vào tăng tỷ lệ huy động vốn vay trong nước để chuẩn bị cho việc giảm tiếp cận các khoản vay ưu đãi nước ngoài sẽ khiến chi phí huy động cao hơn so với trước đây.
Gánh nặng chi thường xuyên vẫn rất lớn
Trái ngược hẳn với lo ngại nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng bởi một loạt các loại thuế nhập khẩu giảm về 0% tính từ đầu năm 2018, thu ngân sách vẫn đang tăng mạnh (14,3%), qua đó giúp ngân sách 7 tháng thặng dư 15.290 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù nguồn thu ngân sách gia tăng, nhưng chi tiêu nhiều nhất lại rơi vào các khoản chi thường xuyên (chiếm hơn 70% tổng chi), chi cho đầu tư phát triển vẫn còn hạn chế khi chỉ chiếm chưa đến 20% tổng chi.
TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ cấu chi tiêu đang gây ra nhiều lo ngại bởi phần lớn nguồn thu đang phải dùng để “nuôi” bộ máy hoạt động cồng kềnh của Chính phủ. Thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, các kế hoạch tinh giản biên chế gần như không cho thấy một kết quả khả quan khiến chi thường xuyên tăng đều qua các năm.
“Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi trong khi nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển lại đang có xu hướng bị thu hẹp lại. Nếu tiếp tục chi thường xuyên cao thế này thì quá nguy hiểm, bởi như vậy thì sẽ gây ra bất ổn vĩ mô và không còn tiền để đầu tư phát triển”, TS. Bùi Trinh cảnh báo.
Theo kế hoạch ngân sách đã được Quốc hội thông qua, trong năm 2018, dự kiến nhu cầu vay trả nợ của Chính phủ là 382.000 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày ngân sách chi hơn 1.000 tỷ đồng để trả nợ cả gốc lẫn lãi. Các chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu biên chế và bộ máy quản lý cứ liên tục “phình” ra trong bối cảnh nguồn thu từ thuế đang ngày một eo hẹp theo tiến trình hội nhập, áp lực đè nặng lên ngân sách sẽ là rất lớn.
“Một khi ngân sách rơi vào tình trạng báo động, nhà nước sẽ khó tránh khỏi việc tìm đến giải pháp tận thu từ trong dân thông qua các đề xuất tăng thuế, hay in thêm tiền trả nợ khiến lạm phát gia tăng”, TS. Bùi Trinh nhận định.
Theo VOV