Ngay sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nghị quyết này một cách cụ thể, quyết liệt và đạt hiệu quả.
Du khách tham quan bằng xích lô trên đường Bạch Đằng. |
Theo thông tin từ Sở Du lịch thành phố, qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, các chỉ số về lượt khách, tổng thu ngân sách, đóng góp vào GRDP thành phố đều tăng qua các năm.
Nếu như năm 2017, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt 6,59 triệu lượt (khách quốc tế đạt 2,29 triệu lượt và khách nội địa đạt 4,30 triệu lượt); tổng thu du lịch năm 2017 ước đạt 19.400 tỷ đồng thì mới 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 6,5 triệu lượt, tăng 27,7% so với cùng kỳ 2017, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,4 triệu lượt (tăng 40% so với cùng kỳ 2017), khách nội địa ước đạt 4,1 triệu lượt (tăng 21,5% so với cùng kỳ 2017). Tổng thu về du lịch ước đạt 22.571 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 100,3% kế hoạch năm 2018.
Cùng với sự quyết liệt của chính quyền các cấp, việc người dân đồng thuận hưởng ứng cũng góp phần quan trọng để ngành du lịch đạt được những thành tựu quan trọng sau gần hai năm triển khai Nghị quyết số 08/NQ-TW.
Đơn cử, đề án Khu phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) triển khai nhận được sự ủng hộ tích cực trong cộng đồng dân cư ở đây. Dù chưa chính thức khai trương nhưng đề án đã góp phần quan trọng trong việc tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tư duy làm du lịch của người dân ở khu vực An Thượng.
Anh Hồ Sỹ Dũng, chủ quán kinh doanh trên đường Ngô Thì Sĩ (Khu phố du lịch An Thượng) bày tỏ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của quận và thành phố. Tôi mong đề án nhanh chóng được hoàn thiện, nhất là về cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự để khu phố đi vào hoạt động một cách bài bản hơn. Bản thân gia đình tôi cũng đang đầu tư sửa sang quán cho khang trang và sạch đẹp hơn trước”.
Bà Ngô Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho hay, đề án Khu phố du lịch An Thượng nhận được sự đồng thuận của hơn 200 hộ dân sống ở đây.
“Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi họp dân để tuyên truyền về đề án cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi, những đề xuất của bà con. Đến nay, hầu hết các hộ kinh doanh ở Khu phố du lịch An Thượng đều có sự chủ động trong việc đầu tư nâng cấp, chỉnh trang lại cơ sở kinh doanh để bắt kịp nhu cầu của du khách.
Bên cạnh đó, họ cũng thay đổi cách giao tiếp cởi mở, thân thiện và mạnh dạn hơn. Điều người dân mong muốn bây giờ là quận Sơn Trà và thành phố nhanh chóng hoàn thiện các thiết chế cơ sở hạ tầng như trong quy hoạch để khu phố chính thức đi vào hoạt động”, bà Ngô Thị Nga nói.
Trong 5 năm trở lại đây, nhiều người nhận thấy sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như cung cách phục vụ của các tiểu thương ở chợ Hàn, góp phần xây dựng và bảo vệ “thương hiệu” của chợ để trở thành điểm tham quan, mua sắm không thể thiếu khách du lịch mỗi khi đến Đà Nẵng.
“Chúng tôi đã phối hợp tích cực với chi hội Phụ nữ chợ trong việc thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố đến từng hội viên; đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí vì cộng đồng nhằm tăng tình đoàn kết trong các tiểu thương kinh doanh tại chợ”, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý chợ Hàn cho biết.
Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch, để xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đặt ra các mốc thời gian cụ thể, đó là phấn đấu đến năm 2020, đón 8,9 - 9,3 triệu khách du lịch (3-3,5 triệu khách quốc tế và trên 5,8 triệu khách nội địa), tổng thu du lịch đạt 36.400 tỷ đồng.
Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố đạt khoảng 25% (đóng góp trực tiếp là 13,9%). Phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, thị trường du lịch rộng mở, sản phẩm du lịch chất lượng cao thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020, phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch biển cao cấp, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Thành phố đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, tăng cường huy động xã hội hóa; xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có sức cạnh tranh cao; trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch sinh thái, văn hóa… Đồng thời, thành phố phát triển du lịch phải bền vững, có trách nhiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát huy các giá trị văn hóa, cộng đồng địa phương. Thành phố cũng tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch có kỹ năng, phát huy liên kết vùng với tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; đẩy mạnh phát triển các thị trường Đông Bắc Á; duy trì và phát triển thị trường khách truyền thống khu vực Đông Nam Á - ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ, mở rộng thị trường các nước Úc, Ấn Độ, Nga, tiếp tục tập trung phát triển thị trường khách nội địa, chú trọng thu hút thị trường khách nghỉ dưỡng và du lịch MICE… |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA