Nhiều người dân ở phường Mỹ An và Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đang lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ biển, nhất là đang trong mùa mưa bão. Đáng lo ngại, tình trạng biển xâm thực ở nhiều nơi tại Đà Nẵng đã diễn ra nhiều năm nay. Hiện các đơn vị có liên quan đang nỗ lực tìm giải pháp để xử lý tình trạng này.
Một đoạn kè và vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp bị sạt lở nặng nề sau trận mưa vào đêm 21 và rạng sáng 22-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhiều nơi sạt lở, bị xâm thực
Trận mưa lớn xảy ra vào đêm 21, rạng sáng 22-10-2018 đã làm sạt lở nặng một đoạn bờ kè và vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp ở sát cửa xả Mỹ An, gần vị trí sạt lở nặng ở bãi tắm Sao Biển.
“Mùa mưa bão cuối năm 2017, bãi tắm Sao Biển bị sóng đánh vỡ bờ kè, lối lên xuống và sạt lở tiến sâu vào các dự án khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ở lân cận. Bây giờ lại xảy ra sạt lở. Trận mưa lớn đã cuốn trôi đoạn kè biển ở sát cửa xả Mỹ An.
Các cơ quan chức năng của thành phố cần sớm có đánh giá và hướng khắc phục lâu dài đối với tình trạng này để người dân có thể yên tâm”, ông Nguyễn Văn Vĩnh (người dân ở khu vực Mỹ Đa Đông, phường Mỹ An) đề nghị.
Trong khi đó, nhiều người dân ở phường Hòa Hải lại lo lắng đối với an toàn của các công trình ở bãi tắm Non Nước. Ông Huỳnh Văn Độ (ở đường Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay:
“Từ năm 2012 đến nay, biển đã tiến sâu vào bờ do một số khu du lịch ven biển xây dựng kè đá ra quá sát bãi biển gây thay đổi dòng chảy. Sóng biển đánh vỡ các bờ kè đá không được xây dựng chắc chắn nên gạch, đá và bê-tông vỡ nằm ngổn ngang, gây mất mỹ quan và an toàn cho người đi bộ trên bãi biển. Do vậy, thành phố cần sớm xây dựng bờ kè bảo vệ bãi tắm Non Nước và đầu tư xây dựng tuyến kè biển”.
Bên cạnh các vị trí sạt lở bờ biển nói trên, 2 năm nay, các cơ quan chức năng cũng ghi nhận thêm hàng loạt vị trí nước biển xâm thực tại một số bãi biển trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn với tổng chiều dài 950m.
Cụ thể như: vệt nước biển xâm thực ở bãi biển phía sau nhà hàng Mỹ Hạnh với chiều dài khoảng 150m; vệt xâm thực ở trước khách sạn Grand Tourane dài 150m; trước khách sạn Mỹ Khê, dài 120m; ở đối diện ngã ba đường Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp, dài 230m; ở trước khách sạn Cicilia, dài 110m; đối diện ngã ba đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Kế Viêm, dài 190m…
Một đoạn bờ kè và mặt sàn công trình bãi tắm Sao Biển bị sóng biển đánh sập vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. |
Tìm hướng xử lý
Ngày 11-10-2018, tại hội thảo báo cáo kết quả các nghiên cứu thuộc chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học - Thủy lợi Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân xói lở bờ biển liên quan đến 3 yếu tố chính là: ngoại sinh (thủy, hải văn), nội sinh (địa chất, địa mạo) và nhân sinh (con người).
Trong 3 yếu tố đó, ngoại sinh là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, có liên quan đến quá trình thủy thạch động lực gây ra thiếu hụt bùn, cát. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình ở những nơi bờ biển không ổn định, có biến động mạnh do tác động trực tiếp của sóng biển mạnh gây sạt lở bờ và phá hủy công trình làm thiệt hại lớn về kinh tế…
PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng đề nghị: “Cần đưa ra giải pháp chống xói lở bờ biển tổng thể nằm trong khuôn khổ quản lý tổng hợp dải ven biển miền Trung kết hợp với quản lý theo lưu vực sông và xây dựng chiến lược lâu dài, đặc biệt là cần kết hợp phòng chống xói lở với chỉnh trị sa bồi ở vùng cửa sông; đồng thời cần tăng cường cơ sở pháp lý, quy định bảo vệ bờ biển, xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập mạng lưới quan trắc, giám sát xói lở bờ biển định kỳ để có những giải pháp ứng xử kịp thời”.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố cho biết, UBND thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì một công trình nghiên cứu khoa học và mời các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu tổng thể giải pháp chống sạt lở bờ biển Đà Nẵng.
Đối với một số vị trí sạt lở cục bộ ở bãi tắm Sao Biển và Sao Việt - Non Nước, UBND thành phố giao cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng (BQL dự án) làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án nâng cấp, sửa chữa kè để bảo vệ 2 bãi tắm.
Vừa qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ xây dựng thêm một hệ thống quan trắc khí tượng, hải văn và tình trạng sạt lở tại khu vực biển Mỹ Khê để có số liệu, thông tin phục vụ nghiên cứu, đánh giá diễn biến xói lở bờ biển Đà Nẵng; đồng thời, kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp khắc phục sạt lở bờ biển Đà Nẵng và hỗ trợ đầu tư các công trình sạt lở ven biển của thành phố.
Theo BQL dự án, vừa qua, HĐND thành phố đã quyết định bố trí 18 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa kè bảo vệ hạ tầng bãi tắm Sao Biển dài 96m và bãi tắm Sao Việt - Non Nước dài 25,3m. Kết cấu kè bao gồm chân kè dạng cọc bê-tông cốt thép dự ứng lực được đóng ken xít suốt chiều dài kè, bên ngoài hàng cọc là lăng thể đá chống xói, trên lăng thể đá là 4 hàng cấu kiện bê-tông tiêu sóng.
Mái kè có kết cấu bê-tông cốt thép dạng bậc. Đỉnh kè gồm tường chắn sóng, đỉnh kè kết cấu bê-tông cốt thép, phía sau tường là đống đá tiêu nước, đường bê-tông và rãnh thu nước. Hiện nay, BQL dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến thi công và hoàn thành trong năm 2019.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Nam. Trước đây, Quảng Nam xử lý tình trạng xói lở bờ biển mang tính cá thể, không có tính tổng thể nên đã gây phá vỡ tổng thể, được chỗ này thì mất chỗ kia. Thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu một cách tổng thể cả dải bờ biển để định hướng giải pháp. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP