Kinh tế

Máy bơm nước thải ven biển bị kẹt rác

14:23, 23/11/2018 (GMT+7)

Sau 3 lần xảy ra sự cố vận hành máy bơm gây ngập úng cục bộ tại nhiều nhà dân và tầng hầm khách sạn khu vực cửa xả Mỹ An, các máy bơm mới được đầu tư của hệ thống thu gom và thoát nước khu vực ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vẫn thường xuyên bị kẹt rác, ảnh hưởng đến công tác thu gom nước thải.

Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đang nạo vét bùn, rác ở các tuyến cống ven biển để bảo đảm vận hành hệ thống thu gom, thoát nước.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đang nạo vét bùn, rác ở các tuyến cống ven biển để bảo đảm vận hành hệ thống thu gom, thoát nước.

Nguyên nhân xảy ra ngập nhiều nhà dân và tầng hầm khách sạn ở lưu vực cửa xả Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) trong thời gian qua được các cơ quan chức năng xác định là do hệ thống cảm biến mực nước bị rác ở trong cống che khuất nên không tự điều khiển mở các phai hỗn hợp cho nước thoát ra biển.

Tuy nhiên, đây không phải là thiết bị hiện đại duy nhất bị ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động do rác thải ở cống. Đáng lo ngại hơn khi 5 trạm bơm ven biển (SPS1, SPS2 - lưu vực Sơn Trà, SPS3, SPS4, SPS34 - lưu vực Ngũ Hành Sơn) do Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (gọi tắt là Ban QLDA) đầu tư để thay thế các máy bơm cũ nhưng lại có cấu tạo không tương thích với việc bơm nước có nhiều rác thải, bùn.

Điều đó dẫn đến các trạm bơm này thường xuyên xảy ra tình trạng máy bơm bị… kẹt rác, phải cẩu lên để lôi rác và cát ra khỏi máy bơm.

Theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, trước đây, các trạm bơm này sử dụng máy bơm có cánh bơm kiểu bán hở do hãng Flygt (Thụy Điển) sản xuất. Loại bơm này phù hợp với đặc tính nước thải của Đà Nẵng là có lẫn nhiều rác và bùn cát, tuổi thọ cao, vận hành ổn định.

Tuy nhiên sau đó, Ban QLDA chuyển sang đầu tư máy bơm có cánh bơm kiểu kín do hãng Wilo (Đức) sản xuất vốn chỉ phù hợp với bơm nước sạch hoặc nước thải không có lẫn bùn, rác nên máy bơm này thường xuyên bị kẹt rác.

Hiện công ty chỉ có 1 chiếc xe cẩu nên rất khó khăn nếu có nhiều máy bơm bị kẹt rác cùng lúc. Bên cạnh đó, việc tháo lắp, vệ sinh cũng mất nhiều thời gian do phải tháo rời bầu bơm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu gom nước thải. Mặt khác, qua quá trình vận hành, bầu bơm và cánh bơm của máy bơm mới bị mòn rất nhanh…

Để khắc phục tình trạng đó, cuối tháng 10-2018, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã đề nghị UBND thành phố giao Ban QLDA chủ trì, phối hợp với đơn vị cung cấp máy bơm nghiên cứu giải pháp giảm thiểu tình trạng kẹt cánh bơm do rác như: lắp đặt máy lược rác tự động; sử dụng loại máy bơm có kiểu cánh phù hợp hơn, vật liệu có khả năng chống ăn mòn và chịu mài mòn tốt hơn.

Ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc Ban QLDA cho biết, đến nay, đơn vị đã khắc phục các tồn tại của máy bơm. Trong khi đó, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải lại cho rằng việc khắc phục các máy bơm chỉ mới tạm ổn.

Theo ông Mai Mã, để bảo đảm an toàn vận hành các máy bơm và giảm lượng rác thải tràn ra bãi biển, đơn vị đã và đang tăng cường công tác vệ sinh, nạo vét bùn, rác tại các tuyến cống ở khu vực ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành túc trực tại hiện trường cũng như hệ thống điều khiển và giám sát (SCADA) tại công ty để chủ động phát hiện và xử lý các sự cố phát sinh.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Hoàng Văn Tùng, quản lý dự án của Công ty CP Kỹ thuật Seen cho biết, đặc thù của nước thải đô thị ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là có nhiều rác. Vì thế, khi lựa chọn các công nghệ và biện pháp thu gom cần phải lưu ý đến các nguyên nhân xảy ra sự cố do rác để đầu tư cho phù hợp.

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ở khu vực ven biển của thành phố có 7 trạm bơm thu gom nước thải với khoảng 10 máy bơm/trạm.

Để bảo đảm vận hành hệ thống thu gom nước thải và vệ sinh môi trường ở các bãi biển, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã nạo vét 5.000m3 bùn, rác trong cống dọc tuyến biển ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; đồng thời đắp các đê ngăn chặn sóng biển đẩy cát chôn các cửa van lật, hạn chế tình trạng van lật không mở ra được làm nước trào ngược vào khu dân cư.

Ông Tô Văn Hùng cho rằng, bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân không xả rác ra cống.

Khu vực ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là nơi tập trung lượng lớn du khách đến nghỉ dưỡng, tắm biển với hàng loạt các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn. Bởi vậy, cần những biện pháp dài hạn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường nơi đây, nhất là môi trường biển, để tạo thiện cảm với du khách, thu hút khách đến ngày một nhiều hơn.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.