Cà phê Khởi nghiệp

Từ "Quốc gia khởi nghiệp" nghĩ về Đà Nẵng

.

Tháng 11 vừa qua, anh Hồ Quang Dũng, Phó Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) trở thành 1 trong 26 người trên toàn thế giới được Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Israel (MASHAV) chọn tham dự khóa đào tạo về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Trở về sau chuyến đi kéo dài nửa tháng, anh Dũng đã chia sẻ với Báo Đà Nẵng những bài học, cảm nhận của mình về Israel - đất nước vốn nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng rất giàu hàm lượng khoa học công nghệ.

26 thành viên của khóa đào tạo về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp được tổ chức tại Israel vào tháng 11 vừa qua. (Anh Hồ Quang Dũng là người đứng hàng thứ 2, vị trí thứ 4 từ trái sang). 		            Ảnh: NVCC
26 thành viên của khóa đào tạo về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp được tổ chức tại Israel vào tháng 11 vừa qua. (Anh Hồ Quang Dũng là người đứng hàng thứ 2, vị trí thứ 4 từ trái sang). Ảnh: NVCC

Nhớ lại ngày đầu tiên ở Haifa (thành phố lớn thứ 3 của Israel), anh Hồ Quang Dũng cho biết, cách tổ chức sự kiện ở đây rất ấn tượng. Vốn là “dân” trong ngành tổ chức sự kiện, nhưng anh vẫn không khỏi trầm trồ trước sự chuyên nghiệp của ban tổ chức khóa học ở Israel (trước khi làm việc tại DNES, anh từng công tác ở Sở Ngoại vụ nên thường xuyên tiếp đón các đoàn khách nước ngoài và phiên dịch cho các hội thảo quốc tế).

“MASHAV cử nhiều điều phối viên để hỗ trợ cho người học - trước khi họ đặt chân đến Israel. Mỗi điều phối viên đều được chuyên môn hóa cao, lo cho học viên đến từng chân tơ kẽ tóc, từ giờ bay cho đến các thông tin cá nhân để bảo đảm sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ nhận được giấy chứng nhận ghi... đúng tên mình”, anh Dũng hồ hởi nói.

Theo đó, các hoạt động của chương trình học rất đa dạng, bao gồm những buổi thảo luận chia sẻ kinh nghiệm của từng cá nhân, tham quan các tổ chức khởi nghiệp tại Israel, thăm vùng đất thánh Jerusalem và Bảo tàng Holocaust, đi học tại Viện Công nghệ Israel Technion…

Israel hiện là đất nước có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nhất và cũng là nước có tỷ lệ khởi nghiệp thành công cao nhất thế giới. Do vậy, khóa học được kỳ vọng sẽ giúp chỉ rõ những điểm đặc biệt, cụ thể của Israel khiến quốc gia này làm được những điều thành công.

Anh Dũng kể, trong quá trình học tập, một học viên người Việt Nam đã đặt cho GS. Jaime Amsel (người có hơn 30 năm kinh nghiệm về tư vấn quản lý phát triển tổ chức và thay đổi ở Israel) câu hỏi: “Làm thế nào để phân biệt giữa “creativity” (sự sáng tạo) và “innovation” (sự đổi mới), vì ở Việt Nam hai khái niệm này vẫn thường được dùng chung với ý nghĩa na ná nhau?”. GS. Amsel trả lời, sự sáng tạo là tìm ra những ý tưởng mới, còn sự đổi mới là biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Nền văn hóa của Israel đậm chất sáng tạo và đổi mới.

Lý giải về điều này, GS. Amsel cho biết, có 4 lý do chính: Thứ nhất, Israel là quốc gia nhập cư. Từ năm 1948, chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã đưa người Do Thái từ khắp nơi về vùng đất thánh này để xây dựng đất nước Israel. Chính sự đa dạng này đã giúp dân tộc Israel sở hữu nhiều kiến thức và tinh hoa văn hóa của mọi ngóc ngách trên thế giới. Họ kết hợp với nhau, cải tiến những điều mà các nơi khác đã làm, khiến chúng trở nên tuyệt với hơn theo một cách nào đó.

Israel có quá nhiều động lực để đổi mới và sáng tạo. Với 2/3 diện tích là sa mạc, điều đầu tiên những người dân nước này nghĩ đến là làm sao giải quyết được vấn đề thiếu nước ngọt, thiếu tài nguyên thiên nhiên.

Những vấn đề “sống còn” này bắt buộc người Israel phải nghĩ ra những biện pháp tốt nhất để tồn tại, bởi họ chỉ có 2 lựa chọn: hoặc đổi mới sáng tạo, hoặc diệt vong. Liên hệ với Việt Nam, anh Dũng chia sẻ: “Chúng ta bắt đầu gặp rất nhiều vấn đề về ô nhiễm, ngập lụt, nhưng có lẽ chưa tới mức sống còn để chọn cách “đổi mới, sáng tạo hay là chết” như tinh thần Israel”.

Một điều nữa, người Israel thích tranh luận. Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thường đồng ý với những ý kiến chung, nhưng nếu chúng ta thách thức thêm nữa, tranh biện thêm nữa có thể sẽ đưa đến một kết quả cao hơn những kết quả thông thường. Người Israel tranh luận ngay cả trong quân đội và cái gì họ không biết thì sẽ cố gắng tìm cho ra người có thể trả lời giúp.

Sau những ngày học tập tại “Quốc gia khởi nghiệp”, anh Hồ Quang Dũng nhìn nhận, bản thân đã thu gặt được nhiều bài học có thể áp dụng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng. Anh đặt vấn đề: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ nghiên cứu - phát triển (R&D); phải đầu tư thực sự nghiêm túc vào nó.

Những “tên tuổi” lớn đến Israel vì R&D ở đây cực kỳ phát triển. Ở Đà Nẵng, R&D không bắt buộc phải tạo ra gì đó mới toanh mà là nghiên cứu cải tiến và địa phương hóa những công nghệ, cách thức sẵn có ở khắp nơi. Vậy nên, nếu bạn đến hỏi tôi là ý tưởng ở đâu để khởi nghiệp, tôi chỉ cần nói bạn rằng: Đừng hỏi, hãy quan sát, bạn sẽ thấy “nỗi đau” ở khắp nơi. (“nỗi đau” là cách cộng đồng khởi nghiệp nói về những vấn đề mà khách hàng tiềm năng của họ gặp phải). Hãy tìm cách xoa dịu “nỗi đau” ấy - đó là cách bạn tìm ý tưởng khởi nghiệp”.

KHANG NINH (ghi)

;
;
.
.
.
.
.