Kinh tế

Khôi phục trồng rau, hoa phục vụ Tết

08:18, 21/12/2018 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua, trên địa bàn thành phố có 180ha rau, màu cùng 30.000 chậu hoa phục vụ Tết và 283.500 cây cảnh bị hư hại.

Từ ngày 18-12 đến nay, tranh thủ thời tiết khô ráo và không còn mưa lớn, nông dân trồng rau, hoa ở vùng chuyên canh và địa phương dọn vệ sinh, xới đất, bón vôi, trỉa hạt giống… nhằm khôi phục sản xuất rau, hoa kịp phục vụ Tết.

Nhờ che chắn và khắc phục kịp thời nên các vườn hoa đã vượt qua trận mưa ngập dài ngày, bảo đảm phục vụ Tết. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhờ che chắn và khắc phục kịp thời nên các vườn hoa đã vượt qua trận mưa ngập dài ngày, bảo đảm phục vụ Tết. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại vùng rau La Hường, người dân tranh thủ thời tiết khô ráo xới đất ở các vồng rau khoai lang, rau muống... còn sót lại sau trận ngập lụt và bón thêm phân đạm để rau phát triển xanh tốt nhằm cắt bán cho thương lái trong 1 tuần tới. Ở các khu vực bị cuốn trôi, thiệt hại hoàn toàn, người dân tranh thủ làm vệ sinh, bón vôi, xới đất và trỉa hạt giống rau xà lách, cải ngọt…

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn La Hường cho hay: “Nhiều người trồng rau đã tranh thủ thời tiết khô ráo tiến hành dọn vệ sinh, làm đất, bón vôi... phục hồi sản xuất rau để sớm cung cấp rau cho người tiêu dùng.

Khu vực rau bị thiệt hại nhẹ và có khả năng phục hồi được thì bà con cũng đã tranh thủ chăm sóc, bón phân cho cây phát triển. Một số khu vực trũng thấp, đất còn ướt nên chờ một vài hôm cho khô ráo rồi mới làm đất”.

Tại các vùng trồng rau khác ở quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, nhiều nông dân đã tranh thủ thời tiết khô ráo đề phục hồi sản xuất. “Nhờ 2 hôm nay thời tiết khô ráo, bà con mới tranh thủ làm lại đất để trỉa hạt giống rau ăn lá và đậu tây”, ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất-tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cho hay.

Đối với hoa và cây cảnh phục vụ Tết, sau 1 tuần tích cực che mưa và khắc phục hiện tượng dập lá và úng gốc, thời tiết khô ráo cũng là lúc các hộ tiến hành các biện pháp chăm sóc hoa như: phun thuốc trừ sâu bệnh, bón phân...  Nhiều người trồng hoa và cây cảnh phục vụ Tết vui mừng vì vườn hoa, cây cảnh vẫn sinh trưởng khá tốt sau trận mưa lớn dài ngày.

“Tôi cứ tưởng là mất trắng 1.000 chậu hoa cúc vì mưa lớn quá. Nhưng nhờ che chắn và đội mưa khắc phục nên cây “tỉnh” lại. Bây giờ thời tiết khô ráo, tôi đang tích cực chăm sóc để cây hoa cúc sinh trưởng tốt. Hơn 150 chậu hoa vạn thọ cũng tưởng là mất trắng, nhưng cũng đã khôi phục được. Nếu thời tiết thuận lợi, vườn hoa cúc và vạn thọ sẽ nở kịp Tết, nhưng không đẹp như mọi năm”, ông Lê Văn Linh (trú tổ 2, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) nói.

Còn ông Lý Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho hay: “Vụ hoa Tết năm nay, cả tổ hợp tác trồng 19.500 chậu hoa cúc và hàng ngàn chậu hoa ly, hồng, vạn thọ, thược dược…

Đợt mưa lớn vừa qua làm nhiều chậu hoa bị hư hại, nhưng nhờ chăm sóc kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. Người trồng hoa đang tranh thủ thời tiết khô ráo để phun thuốc trừ các loại nấm và sâu bệnh”.

Nông dân ở vùng rau La Hường tranh thủ thời tiết khô ráo để chăm sóc rau sinh trưởng tốt sau trận mưa lớn.
Nông dân ở vùng rau La Hường tranh thủ thời tiết khô ráo để chăm sóc rau sinh trưởng tốt sau trận mưa lớn.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ở các diện tích trồng rau ăn lá xuất hiện bệnh thối nhũn, trước hết phải xử lý bằng các loại thuốc trừ nấm, sau khi rau phục hồi và bắt đầu ra lá mới tiến hành phun phân qua lá để cây phát triển tốt, nhưng không bón các loại phân đạm cho các diện tích trồng rau đang bị thối nhũn.

Để giúp cho cây rau sinh trưởng qua giai đoạn ngập úng, cần tăng cường bón phân kali, lân, giảm bón phân đạm để cây nhanh phục hồi. Đối với diện tích rau bị hư hại hoàn toàn, cần tiến hành nhổ bỏ để trồng lại lứa mới. Trước khi sản xuất lại nên xới, xáo đất và xử lý đất với lượng vôi 25kg/sào, sử dụng thêm nấm đối kháng trichoderma để xử lý đất, phân chuồng với lượng 1 kg/sào.

Đối với cây hoa, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày, độ ẩm đất, độ ẩm không khí tăng cao và có nhiều cành, lá, bị gãy và dập nát tạo môi trường thuận lợi cho một số bệnh phát sinh gây hại trên cây hoa như: bệnh đốm lá, bệnh héo vàng, bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh…, thì người trồng cần có biện pháp thoát nước tốt cho vườn hoa, hoa trong chậu cần kê cao; vệ sinh vườn hoa, tỉa lá già, lá, cành bị gãy đổ; nhổ bỏ cây bị bệnh.

Trong điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, cần tiến hành phun phân qua lá, tăng cường bón phân kali, lân nhằm giúp cho cây nhanh hồi phục và cần chú ý theo dõi, xử lý các bệnh gây hại cho cây hoa...

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.