Với mong muốn làm ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã tập hợp một nhóm phụ nữ nghèo để làm túi xách từ cói và thổ cẩm. Hoạt động này không những giúp chị em có công ăn việc làm ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường, quảng bá nét đẹp của thành phố.
Chị Trần Thị An và các chị em trong nhóm làm sản phẩm du lịch Thọ Quang đang may túi cói phục vụ khách du lịch. |
Vừa hì hụi may những chiếc túi cói và thổ cẩm để kịp giao cho khách hàng, chị Trần Thị An (Trưởng nhóm may túi du lịch) vừa cho hay: “Các chị em làm ở đây hầu hết là phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân của địa phương. Buổi sáng, chị em đi bán cá ở chợ Thọ Quang hoặc đi làm thuê, chiều lại tranh thủ may với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Căn phòng mượn tạm của Nhà văn hóa phường Thọ Quang có 6-7 chị em cùng chăm chú làm việc với ngổn ngang kim chỉ, máy may, nguyên liệu, phụ kiện làm túi. Chị Nguyễn Thị Kim Ly cho biết, chị làm nghề giúp việc, chồng không có việc làm ổn định lại đang nuôi 2 con ăn học nên cuộc sống gia đình khá khó khăn. Từ khi được Hội LHPN phường cho tham gia tổ may, chị thấy rất vui. Mỗi ngày ngoài công việc chính, chị tranh thủ may túi kiếm hơn 100.000 đồng.
Trước khi vào tổ may, các chị em ở đây hầu hết chưa qua trường lớp đào tạo, nhưng vì cùng chung mong muốn có một sản phẩm mang đặc trưng của phụ nữ nghèo Thọ Quang nên các chị đã tìm tòi cách may từ những mẫu đơn giản đến phức tạp, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Để tạo được dòng sản phẩm cói phối với thổ cẩm, Hội LHPN phường Thọ Quang đã tổ chức cho các chị đi học tập thực tế tại làng của đồng bào Cơ tu (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Nhờ đó, sản phẩm của các chị đa dạng hơn với giá bán mỗi sản phẩm 100.000 - 450.000 đồng.
Đà Nẵng đang thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm; tuy nhiên, sản phẩm du lịch chưa phong phú và mang nét đẹp văn hóa riêng của địa phương. Chị Ngô Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thọ Quang, cho biết, với mong muốn giúp chị em nghèo, phụ nữ đơn thân có công việc ổn định và lâu dài; tạo sản phẩm mang nét đẹp văn hóa của địa phương và giới thiệu đến du khách những địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử của thành phố, Hội LHPN phường đã nghĩ ra cách may túi du lịch bằng nguyên liệu cói và thổ cẩm, tất cả đều thân thiện với môi trường. Sản phẩm đang được tiếp cận thị trường bằng việc trưng bày tại chợ đêm Sơn Trà, ký gửi tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, các gian hàng trên đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa và các chợ trên địa bàn.
Trên sản phẩm của nhóm đều in hình địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như: đỉnh Bàn Cờ, cảng Tiên Sa, đền thờ Thoại Ngọc Hầu hay động vật quý hiếm, biểu tượng Đà Nẵng là voọc chà vá chân nâu… như một cách quảng bá điểm đến của Đà Nẵng. “Việc sản xuất túi xách là giải pháp cho bài toán đa dạng sản phẩm văn hóa du lịch; đồng thời giúp tạo việc làm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân. Đây cũng là một trong những cách giúp chị em phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh”, chị Mỹ Hạnh cho biết thêm.
Bài và ảnh: THANH TÌNH