Sức bật cho đô thị Đà Nẵng vào năm 2030 sẽ là đô thị hạt nhân, xứng tầm khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đô thị Đà Nẵng được đặt trong mối liên kết vùng là khu kiến trúc trong điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Vệt đô thị phía đông đang hình thành các trung tâm dịch vụ du lịch đặc sắc. Trong ảnh: Tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí CocoBay. Ảnh: Triệu Tùng |
Đề cương xây dựng nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố được khởi động trong năm 2018 xác định đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thì Đà Nẵng sẽ là thành phố xanh, hiện đại - thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới sẽ có hiệu lực từ năm 2019.
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển Đà Nẵng thời gian qua, những thách thức đang đặt ra, dư địa còn có thể khai thác, nhóm chuyên gia đã đề xuất mục tiêu và giải pháp cho đô thị Đà Nẵng trong hơn 10 năm tới.
TS. Trần Du Lịch, đại diện nhóm chuyên gia cho biết, Đà Nẵng sẽ phát triển đột phá dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, hình thành trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo của Việt Nam.
Trong tầm nhìn cho đô thị Đà Nẵng, nhóm chuyên gia định hướng Đà Nẵng phải là thành phố xanh về môi trường, sản xuất, lối sống; là đô thị hiện đại - thông minh thông qua kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0; thành phố kết nối toàn cầu và tâm điểm là đô thị có hồn cốt trong bản sắc là đáng sống, đáng nhớ.
KTS Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng trong thời gian đến đặt trong mối liên kết vùng sẽ làm cho đô thị Đà Nẵng “lớn lên” và tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hai mũi quy hoạch phát triển đô thị được xác định là phía đông nam và tây bắc thành phố. Sự phát triển về phía nam để kết nối đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); phát triển về hướng tây và tây bắc hình thành các đô thị vệ tinh, các khu sản xuất tập trung với các dự án đầu tư động lực để phát triển kinh tế.
Khu vực đô thị phía tây được thiết kế đô thị thấp tầng, cảnh quan sinh thái. Diện mạo của đô thị đến năm 2030 thể hiện rõ các phân khu chức năng. Không gian đô thị Đà Nẵng lan tỏa theo chiều rộng để có khả năng đáp ứng thu nạp quy mô dân số từ 2-3 triệu người.
Đến năm 2030, cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ với hạ tầng giao thông đường bộ (đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường nông thôn); kết nối các trục giao thông đường bộ quốc gia, đường sắt cao tốc, đường ven biển; nâng công suất sân bay quốc tế Đà Nẵng; hình thành cảng biển mới như cảng Liên Chiểu, phát triển dịch vụ logistics. Các tuyến đường giao thông nội thị xuất hiện những loại hình giao thông hiện đại như đường sắt trên cao; tàu điện ngầm, xe buýt công cộng phát triển mạnh và bao phủ.
Đến năm 2030, những điểm nghẽn trong quy hoạch sẽ được khắc phục để Đà Nẵng phát triển thành đô thị đang có đủ tầm, đủ sức đón tương lai với đòn bẩy là đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó hạ tầng giao thông phát triển theo chiều sâu.
Đến năm 2030, cấu trúc không gian đô thị ở Đà Nẵng sẽ mạch lạc để chuyển sang giai đoạn phát triển mới hướng về tầm nhìn 2050. Đây là giai đoạn phát triển của thành phố môi trường, thành phố thông minh.
Đại diện Liên đoàn sản xuất Singapore, đối tác của thành phố Đà Nẵng trong việc giới thiệu đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cho biết, Đà Nẵng tiếp cận xây dựng “Thành phố Xanh” là hướng phát triển chủ đạo. Một không gian đô thị xanh là khởi nguồn cho đô thị bền vững và phải đặt nền móng ngay từ bây giờ.
“Suy cho cùng mọi công nghệ chỉ là phương tiện, người tài mới là then chốt. Đà Nẵng phải tận dụng lợi thế của mình, biến mảnh đất này thành nơi thu hút người tài cả nước, cả thế giới phải xếp hàng để đến Đà Nẵng. Lúc đó, thành phố Đà Nẵng sẽ rất độc đáo, xán lạn, đưa tên mình lên bản đồ thế giới”, vị chuyên gia đến từ Singapore chia sẻ.
CẨM KIM