Tại “Tọa đàm mùa Xuân năm 2019”, UBND thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn gần 500 triệu USD. Ngoài ra, thành phố cũng trao thông báo nghiên cứu đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 3,48 tỷ USD; đặc biệt, nguồn lực đầu tư được dịch chuyển mạnh mẽ vào sản xuất công nghiệp.
Nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô-tô Nissan tại Đà Nẵng do Công ty TNHH TCIE Việt Nam đầu tư tại KCN Hòa Khánh tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Nhiều năm qua, sản phẩm công nghiệp chủ lực của Đà Nẵng chủ yếu dựa vào ngành chế biến thủy sản, bia, dệt-may, giày, săm lốp cao su, xi-măng, sắt thép, linh kiện điện tử... Thế nhưng, từ hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư năm 2019, ngành công nghiệp thành phố mở ra những triển vọng mới. Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, mục tiêu của thành phố hiện nay là tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Hiện tại ngành công nghiệp Đà Nẵng đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật - công nghệ (điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo), các ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao (ô-tô, dược phẩm, bia, bao bì). Ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố cũng phát triển để hình thành với một số sản phẩm có quy mô như: săm lốp cao su, sợi, bao bì, chi tiết phụ tùng máy móc thiết bị...
Thành phố đã xác định tầm quan trọng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp để hướng về mục tiêu phát triển bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, giải quyết việc làm cho lao động. Tại hội nghị bàn nhiệm vụ xúc tiến đầu tư năm 2019 vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2019 sẽ tập trung chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có sức lan tỏa để tăng trưởng kết hợp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước.
Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đối thoại với nhà đầu tư. Trong một diễn biến mới về hoạt động thu hút đầu tư, Đà Nẵng đạt được những kết quả ấn tượng khi thu hút hàng loạt các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Hoa Kỳ.
Sự chuyển biến mạnh mẽ về đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố bắt đầu từ nền móng chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khi tham gia Tọa đàm mùa Xuân 2019 cho biết, bộ này tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng trong việc tập trung đầu tư, ưu tiên nguồn lực để thực hiện dự án Khu Công nghệ cao nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.
Bộ cũng tiếp tục dành sự quan tâm đối với thành phố Đà Nẵng, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm có tính chất liên vùng, lan tỏa như việc bố trí nguồn lực thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố thông tin thêm, hiện thành phố Đà Nẵng chủ động trong việc đầu tư hạ tầng Khu Công nghệ cao, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án giai đoạn 2012-2019 với giá trị trên 1.481 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng vốn dự án. Dịch chuyển nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp ở Đà Nẵng được nhận diện bằng việc thu hút gần 10.000 tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng cho thuê tại Khu Công nghệ cao của Công ty CP Long Hậu; cấp phép tăng vốn đầu tư dự án mở rộng Nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô-tô Nissan tại Đà Nẵng (tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD do Công ty TNHH TCIE Việt Nam đầu tư tại KCN Hòa Khánh).
Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh nâng tổng vốn đầu tư lên 30 triệu USD. |
Nhiều dự án sản xuất công nghiệp cũng được tăng vốn hay đầu tư mới như: dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử của Tập đoàn Key Tronic EMS (Mỹ) với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD tại KCN Hòa Khánh mở rộng; dự án mở rộng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD của Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng tại KCN Hòa Khánh; dự án Nhà máy chế tạo gia công các loại ống xả do Công ty Hao Hsing Investment Co., Ltd đầu tư 7 triệu USD tại KCN Hòa Khánh mở rộng; dự án Sản xuất và lắp ráp ô-tô các loại, tổng vốn đầu tư 6 triệu USD của Công ty TNHH Gaz Thành Đạt, tại KCN Hòa Khánh.
Cú hích cho sản xuất công nghiệp thành phố trong giai đoạn phát triển mới phải kể đến sự xuất hiện của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD (UAC) đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 170 triệu USD.
Cùng với đó, Tập đoàn Key Tronic EMS (Hoa Kỳ) được cấp phép đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử tại KCN Hòa Khánh mở rộng với tổng mức đầu tư 70 triệu USD. Tiếp đó, Công ty Alton Industry (Hoa Kỳ) hoàn thành các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư để bảo đảm tiến độ triển khai dự án có tổng vốn đầu tư hơn 87 triệu USD tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để sản xuất robot điều dưỡng sử dụng nền tảng phần mềm đặc biệt để đo lường; động cơ dùng pin Li-ion chất lượng cao, máy nén y tế với hiệu suất cao và động cơ chất lượng cao.
Dịch chuyển thu hút nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp Đà Nẵng là mục tiêu trụ cột trong hoạt động xúc tiến đầu tư với việc tập trung tiếp cận và mời gọi các nhà đầu tư đa quốc gia, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc và châu Âu.
Trong kế hoạch thu hút đầu tư năm 2019 của thành phố, Đà Nẵng sẽ tiếp tục kết nối, giữ mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM)... để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG