Cà phê Khởi nghiệp:

Giá trị của cộng đồng

.

Trong những lần đi phỏng vấn các nhà khởi nghiệp, tôi hay đặt câu hỏi: “Ai giúp bạn vượt qua những lúc nản lòng, muốn bỏ việc”. Gần như tất cả đều trả lời rằng, đó là những người cố vấn, là nhân viên, khách hàng, những bạn bè cùng khởi nghiệp… Cộng những nhà khởi nghiệp - họ chính là “thế giới” mà một người khởi nghiệp cần phải kết nối nếu muốn khởi nghiệp thành công.

Tham gia vào cộng đồng đồng nghĩa với việc có thêm cơ hội “nâng cấp” mạng lưới quan hệ nghề nghiệp và cá nhân. (Ảnh chụp tại Không gian làm việc chung SURF, quận Hải Châu.)
Tham gia vào cộng đồng đồng nghĩa với việc có thêm cơ hội “nâng cấp” mạng lưới quan hệ nghề nghiệp và cá nhân. (Ảnh chụp tại Không gian làm việc chung SURF, quận Hải Châu.)

Trong một lần chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng, anh Daniel Jacobs, người sáng lập Avanoo (cung cấp các chương trình đào tạo trực tuyến giúp nhân viên mới tìm hiểu và tiếp thu văn hóa, tư duy của một công ty, từ đó tăng năng suất lao động) trả lời câu hỏi: “Ích lợi của việc tham gia vào một cộng đồng khởi nghiệp là gì” và đã kể lại câu chuyện của chính mình.

Cuối năm 2014, Avanoo hoạt động với mức doanh thu gần như bằng 0. Tiền của các nhà đầu tư đang bị tiêu dần đến những đồng cuối cùng, đến mức 2 nhà sáng lập dự án phải chuyển từ Mỹ về Peru để giảm chi phí, mong dự án “sống” thêm ngày nào hay ngày ấy. Chính vào thời điểm đó, Avanoo được Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups (Mỹ) nhận vào chương trình hỗ trợ tăng tốc với mức hỗ trợ không tính bằng tiền.

Anh Daniel kể, khi tham gia chương trình, anh biết thêm khoảng 100 nhà khởi nghiệp khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Họ được hỗ trợ bởi mạng lưới cố vấn, nhà đầu tư và hàng trăm nhà khởi nghiệp đã “tốt nghiệp” khỏi chương trình của 500 Startups.

Anh ví: “Chúng tôi như những đứa trẻ được thả vào tiệm kẹo. Chỉ cần cho chúng tôi vào đó, những việc còn lại chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đạt được”. Trong vòng 4 tháng sau đó, 2 nhà sáng lập của Avanoo đã trò chuyện và học hỏi từ tất cả những nhà khởi nghiệp trong chương trình 500 Startups. 4 tháng tiếp theo, họ liên hệ với mọi cố vấn có mặt trong chương trình. 4 tháng sau đó nữa, họ hầu như không ngủ.

Sau khi chương trình của 500 Startups kết thúc, Avanoo đã thành công trong việc kêu gọi 3,4 triệu USD vốn đầu tư. Anh Daniel nói: “Điều đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra nếu chúng tôi không có sự hỗ trợ của một cộng đồng khởi nghiệp tuyệt vời mà chúng tôi may mắn là thành viên trong đó”.

Trong một bài viết cho tờ Huffinton Post (Mỹ), anh Jonathan Chan, cố vấn khởi nghiệp chỉ ra các lợi ích của việc gia nhập một cộng đồng có thể đem lại cho những nhà khởi nghiệp. Lợi ích đầu tiên là có thêm kiến thức từ các cố vấn, các “đồng nghiệp” thông qua việc học hỏi lẫn nhau. Thứ hai là mối quan hệ. Tham gia cộng đồng đồng nghĩa với việc có thêm cơ hội “nâng cấp” mạng lưới quan hệ nghề nghiệp và cá nhân, giúp tăng uy tín cho dự án khi gọi vốn. Thứ ba, một cộng đồng tốt sẽ giúp truyền cảm hứng, hỗ trợ nhau khi khó khăn. Cuối cùng, tham gia vào cộng đồng giúp người khởi nghiệp tận dụng được các nguồn lực của nhau, thúc đẩy sự phát triển của dự án.

Quay về với Đà Nẵng, sau 3 năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thành phố đã dần xuất hiện một số cộng đồng khởi nghiệp của các vườn ươm, công ty, trường đại học… Dẫu còn nhỏ, các cộng đồng này vẫn tạo ra những giá trị của riêng mình.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có “Liên minh các không gian làm việc chung”, không đơn thuần kết nối các không gian một cách vật lý mà còn là sự kết nối giữa con người với con người. Hy vọng, những kết nối ấy sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn, giúp thành phố trở thành một điểm đến cho những nhà khởi nghiệp trong khu vực lân cận, trong nước và cả quốc tế. Giống như hình ảnh đàn cá chuồn đặc trưng của khởi nghiệp Đà Nẵng, những nhà khởi nghiệp cũng luôn có cộng đồng, từ đó mới đủ mạnh để cất cánh. Nhà khởi nghiệp là một “mắc xích” trong cộng đồng, nếu biết cách kết nối, họ sẽ nhận được nhiều lợi ích từ “sợi dây xích” đó.

Bài và ảnh: PHONG LAN
 

;
;
.
.
.
.
.