Khi doanh nhân "bắt tay" nhà khoa học

.

Đầu năm 2019, lần đầu tiên, một doanh nghiệp tại Đà Nẵng tự trồng được các loại nấm ôn đới để cung cấp cho thị trường. Đây là kết quả của cái “bắt tay” giữa Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ - KH&CN) với Công ty TNHH MTV Nông trại An Phú (An Phú Farm), đặt nền tảng cho những hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong tương lai.

Anh Dương Hiển Tú, Giám đốc An Phú Farm giới thiệu sản phẩm nấm đùi gà do công ty anh phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học nghiên cứu, sản xuất.
Anh Dương Hiển Tú, Giám đốc An Phú Farm giới thiệu sản phẩm nấm đùi gà do công ty anh phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học nghiên cứu, sản xuất.

Anh Dương Hiển Tú, Giám đốc An Phú Farm nhớ lại những ngày đầu năm 2018, khi làm việc với Trung tâm Công nghệ sinh học, Giám đốc Sở KH&CN Thái Bá Cảnh đã bày tỏ mong muốn Đà Nẵng có một sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đi được từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Muốn vậy, chắc chắn phải có sự hợp tác giữa Trung tâm Công nghệ sinh học và doanh nghiệp.

Anh Tú nói: “Trong lúc nghiên cứu, chúng tôi nhận ra nấm là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có thể trồng đa chủng loại trong môi trường khí hậu Việt Nam. Song, hiện nay nấm nhập khẩu không rõ nguồn gốc lại trôi nổi rất nhiều trên thị trường. Trung tâm Công nghệ sinh học vốn có thế mạnh trong việc nghiên cứu nuôi trồng nấm, còn An Phú Farm là doanh nghiệp chuyên thực phẩm sạch. Do vậy, chúng tôi quyết định chọn nấm để cùng nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa”.

Quá trình hợp tác bắt đầu với các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu nhiệt đới (như nấm linh chi, nấm vân chi, nấm sò...). Đây là những loại nấm mà Trung tâm Công nghệ sinh học có kinh nghiệm nghiên cứu, gieo trồng, nên công việc diễn ra khá thuận lợi. Giữa năm 2018, hai đơn vị quyết định “thử sức” với các loại nấm ôn đới (như nấm đùi gà, nấm ngọc trâm...). Để sản xuất các nấm này cần phải có hệ thống phòng lạnh, quy trình kỹ thuật tương đối phức tạp. Một tổ công tác gồm các thành viên của Trung tâm Công nghệ sinh học và An Phú Farm được hình thành, đặt ra mục tiêu phải giải quyết cho kỳ được thách thức này.

Lúc quyết định cùng Trung tâm Công nghệ sinh học thực hiện dự án nấm ôn đới, anh Tú đã gặp nhiều ý... bàn lùi. Anh cười nói: “Cái khó là phải trồng được nấm xứ lạnh trong điều kiện xứ nóng. Nhiều người cho rằng, có làm ra được nấm đi chăng nữa, thì tiền bán nấm cũng không đủ trả tiền điện cho phòng lạnh”.

Vậy nhưng nhóm công tác vẫn quyết tâm làm, bởi họ nhận thấy thị trường tiềm năng của các loại nấm này rất lớn, cơ sở vật chất nghiên cứu, nuôi trồng cũng đã được đầu tư sẵn sàng.

“Sau 6 tháng nín thở, mẻ sản phẩm nấm ôn đới đầu tiên ra lò vào giữa tháng 1-2019. Do sản xuất ngay tại Đà Nẵng, nên nấm rẻ và tươi hơn so với nấm đưa từ Đà Lạt xuống. Khi chúng tôi đưa vào hệ thống bán hàng của An Phú Farm, các loại nấm này đã nhận được sự đón nhận lớn của khách hàng”, anh Tú nói.

Dự kiến đến cuối năm 2019, sản phẩm nấm ôn đới Đà Nẵng sẽ được đưa đến các siêu thị ở Singapore, từ đó tiến dần ra thị trường các nước khác.  

Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học nhận định, một trong những lợi ích lớn nhất trong việc hợp tác giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp là có thể kết hợp thế mạnh, tận dụng hiệu quả nguồn nhân sự nghiên cứu khoa học và đội ngũ sản xuất, khai thác thị trường. Nhờ vậy, các sản phẩm nghiên cứu “thoát mình” khỏi phòng thí nghiệm và đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc hợp tác cũng giúp tăng hiệu quả chuyển giao công nghệ, giải quyết khó khăn lâu nay thường gặp trong việc truyền thông khoa học công nghệ.

Ông Thái Bá Cảnh cho biết, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN thành phố năm 2019 là đẩy mạnh kết nối giữa nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu của các trường với doanh nghiệp. Thành phố khuyến khích các tổ chức KH&CN liên kết với doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.