Tạo việc làm từ nghề nhang truyền thống

.

ĐNO - Nhiều năm qua, cơ sở làm nhang Vĩnh Phước của gia đình bà Nguyễn Thị Phước (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) vừa nỗ lực giữ nghề truyền thống, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh: XUÂN SƠN
Cơ sở làm nhang của bà Phước tạo việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGUYỄN CHI

Cơ sở làm nhang của gia đình bà Phước hoạt động gần 40 năm, trải qua nhiều thế hệ. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất hơn chục loại nhang từ nhang thẻ, nhang nụ, nhang vòng… cho các cửa hàng, chùa ở Đà Nẵng, nhiều địa phương lân cận.

Bà Phước cho hay, để làm ra một sản phẩm nhang hoàn chỉnh cần rất nhiều công đoạn, từ vót tre, phơi nhuộm chân tăm nhang, làm bột nhang. Bên cạnh đó, việc làm nhang phải phụ thuộc theo thời tiết, trời nắng phải làm nhiều, trời mưa làm ít hơn bởi phải canh không để nhang ướt và tốn nhiều thời gian để sấy khô.

Ngoài ra, gia đình bà chú trọng sử dụng nguồn nguyên liệu sạch từ tự nhiên để bảo đảm chất lượng thành phẩm tốt nhất, không hại cho sức khỏe người dùng. Thế nên, để có được những loại nhang đạt yêu cầu, bà đã tìm mua giác trầm tự nhiên từ huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) và TP. Hồ Chí Minh.

Theo bà Phước, sản phẩm nhang đạt chất lượng là cách để giữ uy tín với thị trường, cũng là để nghề làm nhang được duy trì, đó là phương châm giữ nghề của gia đình bà trong suốt 40 năm qua.

Do cơ sở làm nhang hoạt động quanh năm, địa bàn tiêu thụ rộng, đồng thời nhu cầu sử dụng nhang của mọi người tăng cao vào những dịp lễ, Tết, nên bà Phước phải huy động nhiều nhân công mới có thể đáp ứng kịp thị trường.

Nhân công tại cơ sở Vĩnh Phước có nhiều chị em là hội viên Chi hội Phụ nữ khu dân cư số 20 của phường Hải Châu 1. Với vai trò là Chi hội trưởng, nắm bắt tâm tư hội viên, bà Phước đã tạo điều kiện để những hội viên cũng như nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn hoặcchưa có việc làm tại địa phương vào làm việc tại cơ sở.

Trước đây, cơ sở của bà Phước còn sản xuất thủ công nên lượng nhân công là 35 người, sau này nhờ có máy móc nên giảm còn tối đa 18 người. Thời gian làm việc được bảo đảm đúng 8 tiếng/ngày theo giờ hành chính.

Được biết, mỗi nhân công được bà Phước chi trả trung bình 200.000 đồng/ngày; ngoài ra còn tính thêm thu nhập từ lượng sản phẩm làm ra. Do đó mà nhiều nhân công của bà Phước có thu nhập ổn định, cải thiện được đời sống.

Học xong phổ thông, anh Từ Thiện Trung được bà Phước nhận vào làm tại cơ sở. Bây giờ, anh là lao động lành nghề với “thâm niên” 21 năm trong nghề làm nhang.

Anh Trung cho hay: “Nghề làm nhang không đòi hỏi sức khỏe nhiều, tần suất công việc đều đặn và cho thu nhập ổn định; ngoài ra còn được thưởng thêm vào dịp lễ, tết… nên tôi quyết định gắn bó với nghề đến hôm nay”.

Theo Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 Võ Trường Anh, suốt những năm qua, cơ sở của bà Phước hoạt động sản xuất luôn bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực và an toàn cho người lao động. Chính quyền phường chưa nhận được phản ánh tiêu cực nào từ người dân địa phương đối với cơ sở.

“Nhiều cuộc thi, lễ hội hay phiên chợ quê được địa phương tổ chức đều có sự góp mặt của gian hàng làm nhang do bà Phước chủ trì. Đảng ủy và UBND phường tạo điều kiện để nghề làm nhang vừa giữ được nét đẹp nghề truyền thống, vừa có thể góp phần vào sự phát triển kinh tế chung trên địa bàn phường”, ông Võ Trường Anh cho hay.

NGUYỄN CHI – THÚY NGÂN

;
;
.
.
.
.
.