Chuỗi thương hiệu cà-phê đầu tiên của người Đà Nẵng

.

Ấp ủ dự định có một thương hiệu cà-phê của người Đà Nẵng, Công ty TNHH Vietart Food & Beverage đã cho ra đời The Cups Coffee. Chủ nhân của chuỗi cà-phê này mong muốn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới về món đồ uống đã rất quen thuộc, đặc biệt do chính người Đà Nẵng xây dựng thương hiệu.

Ra đời sau nên chuỗi cà-phê của người Đà Nẵng nhắm vào chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ để tạo được sự khác biệt dành cho khách.
Ra đời sau nên chuỗi cà-phê của người Đà Nẵng nhắm vào chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ để tạo được sự khác biệt dành cho khách.

Gắn bó với quá trình hình thành thương hiệu The Cups Coffee từ những ngày đầu, anh Trang Lê Hà Nam, Trưởng phòng Marketing của Công ty TNHH Vietart Food & Beverage chia sẻ, nếu chỉ mở một quán cà-phê riêng lẻ với một cái tên thì rất đơn giản, nhưng để hình thành một thương hiệu sản phẩm lại không hề dễ dàng.

Anh Nam dẫn chứng, thực tế tại Đà Nẵng, các quán “cà-phê cóc” mọc lên rất nhiều nhưng lại chưa có thương hiệu nào mang đậm dấu ấn địa phương.

“Khi ấp ủ dự định tạo ra chuỗi cà-phê thương hiệu của người Đà Nẵng, chúng tôi đã dành thời gian khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường. Những năm gần đây, thị trường ngành dịch vụ (đồ uống) có nhiều tiềm năng phát triển, vì nhu cầu thực tế và lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đông. Nhiều thương hiệu ẩm thực, đồ uống có tên tuổi trên thế giới cũng đã có mặt tại đây và được người dân địa phương và như du khách đón nhận. Do đó, khi hình thành sau, người khởi nghiệp sẽ vừa gặp khó khăn, thách thức, vừa thuận lợi cho việc đưa một thương hiệu mới ra mắt người tiêu dùng”, anh Nam nói.

Anh Nam phân tích, khó khăn dễ nhìn thấy nhất là những sản phẩm ở lĩnh vực đồ uống có mặt trước đó tại Đà Nẵng đều đã đi vào hoạt động ổn định và phần nào tạo được dấu ấn. Vì thế, để tạo dựng thương hiệu mới và để thương hiệu lan tỏa tới nhiều khách hàng, doanh nghiệp mới cần có nhiều yếu tố như: thương mại (giá cả), sản phẩm (chất lượng đồ uống), con người (thái độ của đội ngũ nhân viên). Đặc biệt, yếu tố “sản phẩm của người địa phương” cũng ít nhiều gây được thiện cảm với khách hàng.

“Muốn thu hút dòng khách mình hướng tới thì sản phẩm phải nằm ở những vị trí dễ nhìn thấy, khách hàng dễ tiếp cận. Chúng tôi xây dựng không gian hiện đại, mang hơi thở, nhịp sống thường ngày để khách hàng có thể cảm nhận được sự thân quen. Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là sản phẩm. Cũng là cà-phê nhưng chúng tôi muốn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm về sản phẩm với khẩu hiệu “Những sắc thái của cà-phê”. Đó là sự cẩn thận trọng việc lựa chọn hạt cà-phê tươi, rang mộc theo đúng tiêu chuẩn về thời gian, nhiệt độ và bảo quản ở dạng nguyên hạt để khi khách hàng gọi món mới bắt đầu xay và pha chế”, anh Nam cho biết.

Ngành dịch vụ luôn có sự cạnh tranh rất khốc liệt bởi theo quy luật của sự đào thải. Vì vậy, The Cups Coffee vẫn đang trong quá trình cải thiện sản phẩm tốt hơn bằng cách tự rút kinh nghiệm qua thực tế hoạt động cũng như dựa trên những phản hồi của khách hàng. Bên cạnh đó, The Cups Coffee phục vụ thêm các dòng cà-phê Ý, cà-phê đặc biệt (nitro coffee, cold brew coffee...).

Sau hơn 3 tháng hoạt động, đến nay, The Cups Coffee đã có chuỗi sản phẩm gồm 4 cửa hàng. Không dừng lại ở đây, sắp tới, The Cup Coffee sẽ khai trương thêm một cửa hàng tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) và dự kiến mở rộng đến những địa phương lân cận. Mục tiêu của The Cup Coffee là mang thương hiệu cà-phê của người Đà Nẵng đi xa hơn không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.