Quản lý chặt hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên

.

Trước sức phát triển “nóng” của ngành du lịch trong thời gian qua, UBND thành phố ban hành kế hoạch tăng cường quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch năm 2019-2020 nhằm củng cố và hướng đến tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý.

Thành phố và ngành chức năng cần nâng cao chất lượng quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên nhằm hạn chế những hệ lụy không đáng có.
Thành phố và ngành chức năng cần nâng cao chất lượng quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên nhằm hạn chế những hệ lụy không đáng có.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 358 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, trong đó có 112 công ty lữ hành nội địa, 166 công ty lữ hành quốc tế, 47 chi nhánh lữ hành quốc tế với 22 văn phòng đại diện, 6 đại lý nước ngoài và 5 văn phòng lữ hành trong nước tại nước ngoài; có 45 đơn vị lữ hành khai thác thị trường khách Trung Quốc và 40 đơn vị khai thác khách Hàn Quốc.

Đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch có 4.274 người với 1.250  HDV trong nước và 3.024  HDV quốc tế (cụ thể là 1.485 HDV tiếng Anh; 888 HDV tiếng Trung; 156 HDV tiếng Hàn và 99 HDV tiếng Nhật...).

Lực lượng như vậy về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, với sức phát triển nóng của du lịch cùng xu thế tour giá rẻ đã bộc lộ những hạn chế trong hai lĩnh vực này như: việc HDV bị hành hung, HDV nước ngoài thuyết minh sai lệch về văn hóa - lịch sử địa phương; mua bán và thanh toán bằng ngoại tệ; doanh nghiệp (DN) lữ hành trong nước cấu kết với DN nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật...

Ông Cao Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố cho biết, hạn chế lớn nhất trong hoạt động lữ hành và HDV du lịch tại Đà Nẵng hiện nay là sức cạnh tranh chưa lớn nên dễ bị đối tác nước ngoài làm khó.

“Khi DN nước ngoài đưa khách sang Đà Nẵng, họ không chỉ yêu cầu HDV giỏi ngoại ngữ mà còn phải có kỹ năng trong việc giới thiệu và kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, có mối liên kết chặt chẽ và đa dạng với các điểm tham quan, mua sắm để dẫn du khách đến. Trong khi đó, đội ngũ HDV của chúng ta mới chủ yếu hoạt động thuyết trình, hướng dẫn là chính. Việc thiếu các HDV có thể nói tốt các thứ tiếng “hiếm” như Hàn Quốc, Thái Lan, Nga... là rào cản ảnh hưởng đến việc nâng cao sức cạnh tranh của DN trong nước”, ông Cao Trí Dũng bày tỏ.

Nhiều DN hoạt động ở lĩnh vực du lịch cho rằng, trước những hạn chế nêu trên, thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố đã nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời và linh hoạt. Đặc biệt, là động thái tích cực trong việc điều chỉnh lại nguồn khách, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách Trung Quốc như vài năm trước đây.

Hiện nay, ngoài các thị trường chiếm tỷ trọng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á..., thì thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng đã mở rộng hơn. Chính sự dịch chuyển tích cực này đã góp phần điều tiết được nguồn khách ổn định cho hệ thống các dịch vụ trực tiếp như cơ sở lưu trú đang trong tình trạng “cung vượt cầu”, nhà hàng quán ăn, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có đội ngũ các HDV.

Bên cạnh đó, ngành du lịch còn chú trọng việc hình thành các câu lạc bộ (CLB) khai thác thị trường khách du lịch chuyên biệt như Hàn Quốc và Trung Quốc...; nhờ vậy, đã tạo được mạng lưới kết nối sâu rộng, kênh thông tin hữu ích. 

Ông Trần Trà, Chi hội trưởng Chi hội HDV du lịch (thuộc Sở Du lịch thành phố) nhìn nhận, sau một số vụ việc HDV du lịch bị hành hung trong năm 2018, CLB đã có những kiến nghị, đề xuất lên Sở Du lịch nhằm chấn chỉnh và có giải pháp xử lý kịp thời.  

Theo đại diện Sở Du lịch, kế hoạch tăng cường quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch năm 2019-2020 là cơ sở để công tác quản lý được nâng cao, nhất là tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành chức năng và địa phương với Sở Du lịch trong cung cấp thông tin, giải quyết các vướng mắc và khi xảy ra các sự vụ.

Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thị trường nội địa, kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách quốc tế giai đoạn 2019-2021; đẩy mạnh tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng Tổng đài 1022 và Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch du khách và người dân.

Sở Du lịch triển khai hiệu quả hoạt động của đại diện du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Trung Quốc, bảo đảm chất lượng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch. Sở cũng nghiên cứu triển khai đại diện du lịch Đà Nẵng tại châu Âu; triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp cung cấp thông tin, đối chiếu số liệu liên quan giữa các ngành chức năng, địa phương; tiếp tục lắp đặt camera giám sát trên xe vận chuyển du lịch; nghiên cứu triển khai hệ thống thuyết minh điện tử bằng các ngôn ngữ tiếng Anh, Hàn, Trung... tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố và nâng cao chất lượng đội ngũ HDV trong giai đoạn 2017-2020, chú trọng các giải pháp nâng cao kỹ năng để đáp ứng phục vụ nhu cầu, thị hiếu của du khách quốc tế...

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.