Quý I, Chính phủ trả nợ 129.888 tỷ đồng:

Áp lực nợ ngày càng lớn

.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý I năm 2019, Chính phủ đã trả nợ 129.888 tỷ đồng (bao gồm cả trả nợ gốc và trả nợ lãi).

Bình quân mỗi ngày Việt Nam phải chi gần 1.443 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi (Ảnh minh hoạ)
Bình quân mỗi ngày Việt Nam phải chi gần 1.443 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo về tình hình thu chi ngân sách 3 tháng đầu năm 2019, Phó chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng cho biết, tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) quý I đạt 315.600 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 46.700 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng chi; chi trả nợ lãi 30.760 tỷ đồng, chiếm gần 10,4% tổng chi; chi thường xuyên ở mức 237.200 tỷ đồng, chiếm 75,15% tổng chi.

Cũng trong quý I/2019, Chính phủ đã trả nợ 99.128 tỷ đồng. Trong đó, 84.088 tỷ đồng là trả nợ trong nước, còn 15.040 tỷ đồng trả nợ nước ngoài. Như vậy, 3 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đã trả nợ gốc và trả nợ lãi 129.888 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày Chính phủ trả nợ gốc 1.101 tỷ đồng và trả nợ lãi xấp xỉ 341,8 tỷ đồng.

Nguy cơ rủi ro tới tăng trưởng

Theo GS. TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực.

GS. Trần Thọ Đạt cho hay, với nhiều khoản vay từ những năm 1990 thì đến nay đã bắt đầu tới hạn trả nợ, vì thế, hàng năm số nợ phải trả đã chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi NSNN. Trong giai đoạn 2003-2008, chi trả nợ lãi chỉ chiếm khoảng 60% so với thu từ dầu thô, song số liệu dự toán năm 2019 cho thấy chi trả nợ lãi dự tính sẽ gấp 2,8 lần số thu từ dầu thô.

“Với xu thế này, chi trả nợ tăng dần lên trong những năm tới và có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tính bền vững của NSNN”, GS. Đạt cảnh báo.

Theo thống kê, năm 2018, nợ công của Việt Nam ước đạt bằng 61% GDP, giảm so với mức 61,4% của năm 2017 (chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế thực đạt 7,08% năm 2018). Tuy vậy, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao hơn nhiều so với Trung Quốc và các nước trong nhóm ASEAN-5. Đáng chú ý, nợ nước ngoài/GDP đang có xu hướng tăng. Cụ thể: năm 2017, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 48,9% GDP, năm 2018 ước đạt 49,7% GDP; năm 2019 dự báo đạt 49,9% GDP. Điều này cho thấy nguy cơ nợ nước ngoài của quốc gia chạm và vượt ngưỡng 50% GDP là rất cao.

Tuy nhiên, GS. Đạt cho rằng, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng NSNN để trả mới là đe doạ tiềm ẩn tới tính bền vững của nợ công Việt Nam.

"Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Thực trạng này cũng dẫn đến Chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”, GS. Trần Thọ Đạt chỉ rõ.

Còn theo TS. Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dù tình hình tài khoá đang được củng cố nhưng mức nợ tăng làm tăng thêm rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định trong tương lai. Nỗ lực tăng thu nhưng đã xuất hiện thách thức bởi một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác thu thuế như giá dầu thấp làm giảm doanh số bán dầu, tự do hoá thương mại làm giảm thuế xuất nhập khẩu, thay đổi chính sách thuế nhằm đẩy mạnh đầu tư tăng trưởng...

“Củng cố tài khoá gây áp lực lên các khoản đầu tư của Chính phủ. Hiện các khoản chi của Chính phủ chiếm tỷ lệ lớn so với GDP, nếu tiếp tục cắt giảm đầu tư mà không cải cách sẽ ảnh hưởng xấu lên tăng trưởng”, TS. Sebastian Eckardt cảnh báo.

Cần chấm dứt sự tùy tiện và các sơ hở gây nên nợ công

PGS. TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, nợ công tuy đã giảm về mức 61% GDP, nhưng khoảng cách từ 61% đến ngưỡng nợ công 65% mà Quốc hội cho phép rất gần. Hơn nữa, số liệu nợ công được báo cáo rất chậm nên không phản ánh chính xác tình hình nợ công. Và một khi vấn đề thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh.

“Ở mức độ dài hạn hơn, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Tuy nhiên, lấy lại cân bằng cho ngân sách, cắt giảm bộ máy không phải việc dễ làm và không thể lấy lại cân bằng được ngay, nhưng nếu ta không quyết làm ngay sẽ kéo dài không biết đến lúc nào mới giải quyết được”, TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện NSNN đang gặp vấn đề rất lớn khi 85% số thu ngân sách hằng năm để chi thường xuyên và trả nợ, chỉ có chưa tới 15% dùng cho chi đầu tư phát triển. Trong khi, đáng ra chi đầu tư phát triển phải trên 30% số thu. Do đó, cần phải chấm dứt sự tùy tiện, lỏng lẻo và các sơ hở gây nên nợ công.

“Cần tăng cường quản lý NSNN, quản lý nợ công theo nguyên tắc đảm bảo công khai minh bạch, kỷ luật tài chính, giám sát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và đánh giá theo kết quả đầu ra, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm giảm tốc độ tăng nợ công, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nợ công”, GS. Trần Thọ Đạt nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, GS. Đạt cho rằng, cần xây dựng khung đánh giá sự ảnh hưởng của các nhân tố vĩ mô tới nợ công và xác định mức độ chấp nhận rủi ro của Chính phủ. Thiết lập một hệ thống chỉ tiêu nợ công đầy đủ, cập nhật, minh bạch theo chuẩn mực quốc tế, bởi hiện Quốc hội đã ban hành các ngưỡng cảnh báo an toàn nợ công nhưng chưa công khai tiêu chuẩn tính toán. Mặt khác, các số liệu công khai về nợ công còn khá cũ, làm ảnh hưởng tới công tác dự báo, đánh giá nợ công.

“Việc hạch toán ngân sách và nợ công phải được thực hiện minh bạch, tránh các khoản chi để ngoại bảng. Các thước đo thâm hụt cũng cần được tính toán thêm các khoản thu kém bền vững. Bên cạnh đó, nợ và phân loại nợ của DNNN cũng cần được báo cáo thường xuyên và công khai để đánh giá được những rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công. Đồng thời, cần ban hành các quy định chi tiết và rõ ràng hơn về việc sử dụng và trả nợ của chính quyền địa phương, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương”, GS. Trần Thọ Đạt khuyến nghị.

Theo VOV

;
;
.
.
.
.
.