Dịch tả heo châu Phi lây lan: Người chăn nuôi heo gặp khó

.

Chỉ sau 2 tuần, kể từ khi phát hiện con heo chết đầu tiên ở xã Hòa Phú, đến nay đã xuất hiện thêm 15 ổ dịch khác trên địa bàn 3 xã Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) với tổng số lượng heo đã tiêu hủy hơn 150 con. Cùng với đó, giá heo hơi xuống thấp, số lượng heo đưa vào lò giết mổ sụt giảm mạnh, gây khó khăn cho nhiều người chăn nuôi heo.

Các hộ chăn nuôi heo phun thuốc khử trùng tiêu độc hằng ngày trong chuồng và khu vực xung quanh để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi.
Các hộ chăn nuôi heo phun thuốc khử trùng tiêu độc hằng ngày trong chuồng và khu vực xung quanh để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi.

Thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Hồng (trú thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến) làm nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thôn Lệ Sơn Nam lo lắng. Mặt khác, việc giá heo hơi rớt giá xuống còn từ 25.000-28.000 đồng/kg làm nhiều người chăn nuôi có heo đến kỳ xuất chuồng như “ngồi trên đống lửa”.

Ông Đặng Văn Trình (trú thôn Lệ Sơn Nam) cho hay: “Trước khi xuất hiện dịch heo châu Phi trên địa bàn thôn, gia đình tôi cắn răng bán 20 con heo với giá chỉ 28.000 đồng/kg. Bây giờ, còn 30 con đến kỳ xuất chuồng mà bạn hàng cứ hẹn hoài không đến cân heo làm tôi càng lo thêm, vì nếu xảy ra dịch thì phải tiêu hủy cả đàn heo 60 con. Kinh tế của gia đình tôi đều trông cậy vào đàn heo này, nhưng dịch thì đến thôn, giá heo hơi sụt giảm làm người chăn nuôi heo thêm thiệt hại”.

Hộ chăn nuôi có heo bị mắc bệnh dịch tả heo châu Phi đều “nước mắt lưng tròng” khi nhìn cả đàn heo của mình đã tốn công, tốn của để nuôi, nay phải đem đi tiêu hủy. “Từ khi trên địa bàn xã có dịch đến nay, hằng ngày gia đình tôi đều phun thuốc vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong chuồng và xung quanh nhà, nhưng vẫn bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm, phải đem cả đàn heo đi chôn”, bà Hoàng Thị Thúy (trú thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến) cho hay. Còn bà Lê Thị Thiên (trú thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến) than thở: “Tôi về hưu, nuôi heo để có thêm thu nhập, nhưng heo chết vì dịch làm công lao, chi phí nuôi hằng tháng trời mất sạch”.

Đặc biệt, xã Hòa Khương được xem là vùng chăn nuôi heo lớn nhất thành phố với khoảng 4.000 con heo được nuôi tại hộ gia đình và 5.000 con heo nuôi ở trang trại công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, Hòa Khương là xã có số lượng ổ dịch tả heo châu Phi lớn nhất huyện Hòa Vang với 6 ổ dịch, 55 con heo bị tiêu hủy.

Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương nói: “Xã đã tiến hành phun thuốc khử trùng tại tất cả các hộ chăn nuôi rồi phát thuốc cho các hộ chăn nuôi phun khử trùng hằng ngày mà vẫn bị dịch tả heo châu Phi. Để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi đã có heo bị tiêu hủy vì dịch, cuối tháng 6-2019, xã sẽ tổng hợp hồ sơ, báo cáo lên huyện để đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí theo chủ trương của Chính phủ”.

Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay: “Mặc dù xã chưa có dịch tả heo châu Phi, nhưng chúng tôi rất lo lắng. Trong khi đó, giá heo hơi ngày càng giảm làm cho thiệt hại của các hộ chăn nuôi heo càng lớn. Cạnh đó, việc dừng lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn càng lâu thì càng khó khăn cho các hộ chăn nuôi. Vì thế, xã cũng rất mong các cơ quan cấp trên tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi heo”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trước mắt, các hộ đã có heo bị tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh dịch tả heo châu Phi được thực hiện hỗ trợ theo đúng Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo hơi). Vào cuối tháng 6-2019, trên cơ sở báo cáo của các xã, huyện sẽ có đề xuất UBND thành phố giải ngân kinh phí hỗ trợ.

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay: “Đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra bùng phát dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh công tác phòng chống dịch được thực hiện quyết liệt, đặc biệt là công tác ngăn chặn dịch lây lan, huyện rất quan tâm đến công tác tháo gỡ khó khăn và khuyến khích tiêu thụ thịt heo đối với các đàn heo không bị nhiễm dịch bệnh. Huyện chỉ đạo các xã phải quản lý, kiểm tra thật chặt các lò mổ, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi heo có heo chưa bị dịch được đưa vào giết mổ, tiêu thụ thịt heo để làm giảm thiệt hại”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, do dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nên thời gian qua, số lượng heo giết mổ ở các lò mổ trên trên địa bàn thành phố ngày càng giảm dần. Hiện số lượng heo giết mổ chỉ còn hơn 900 con/ngày, giảm hơn 500 con/ngày so với bình thường.

Bà Trần Thị Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết: “Mới đây, Chính phủ đã cho phép các lò mổ heo nằm trên địa bàn các xã có dịch tả heo châu Phi được phép giết mổ heo, nhưng đàn heo trước khi vào lò mổ phải có mẫu xét nghiệm âm tính với virus dịch tả heo châu Phi và sau khi giết mổ xong phải có lấy mẫu để xét nghiệm thêm một lần nữa mới đưa đến tay người tiêu dùng. Chủ trương này sẽ giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho các hộ chăn nuôi heo”.

Ngày 10-6, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ người chăn nuôi trong việc lấy mẫu xét nghiệm các đàn heo chưa bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi để sớm đưa vào tiêu thụ; đồng thời làm việc với các đơn vị kinh doanh thịt heo trên địa bàn thành phố ưu tiên tiêu thụ heo chưa bị nhiễm dịch của huyện Hòa Vang, đặc biệt là làm việc với các hộ kinh doanh giết mổ, tiêu thụ thịt heo tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng ưu tiên lấy heo chưa bị nhiễm dịch của huyện Hòa Vang vào giết mổ thay vì nhập heo từ Bình Định về.

Giám sát chặt chẽ, kịp thời tiêu hủy heo bệnh

Ngày 6-6, Ban Thường vụ Thành ủy có Công văn số 3319-CV/TU về tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể thành phố, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 4-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi; tập trung đôn đốc, triển khai quyết liệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy heo bệnh theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng; kiểm soát nghiêm việc vận chuyển, giết mổ heo trên địa bàn thành phố.

Cơ quan chức năng phối hợp với các doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi có kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với thực tế; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch; tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo, đặc biệt là đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.

UBND thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh cũng như các trường hợp kê khai không đúng về số lượng, trọng lượng heo buộc phải tiêu hủy theo quy định; hướng dẫn việc đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi thành phố theo hướng đa dạng con vật nuôi; có phương án cân đối nguồn cung thực phẩm nhằm bù đắp thiếu hụt thịt heo.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch, giám sát việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, cơ sở ăn uống trên địa bàn thành phố...

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.