16 hộ dân đồng bào dân tộc Cơ tu thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), từ gần 2 năm nay, dù được giao đất rừng để sản xuất theo quy định nhưng diện tích trên thực tế lại thuộc diện “rừng già”, không sản xuất được. Người dân nhiều lần kiến nghị tìm giải pháp thay thế, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến cuộc sống trở nên khó khăn vì không bảo đảm tư liệu sản xuất.
Một góc rừng thuộc xã Hòa Bắc. |
Gia đình ông Bùi Văn Hè ở thôn Giàn Bí, cuối năm 2017 được giao đất rừng để phát triển kinh tế, nhưng không được sản xuất nên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vợ đi làm công nhân không đủ tiền lo cho gia đình, bản thân ông Hè làm đủ thứ nghề nên thu nhập bấp bênh. Cùng hoàn cảnh ông Hè là ông Bùi Văn Chữ, 2 vợ chồng ốm đau thường xuyên, nhà đông con. Ông Chữ được giao đất rừng nhưng rơi vào khu vực cây gỗ lớn nên chính quyền và ngành Kiểm lâm cấm phát rừng. “Nếu có đất rừng sản xuất được, con cái tôi sẽ đi làm rừng và cải thiện thu nhập, có điều kiện chữa bệnh cho vợ chồng tôi. Đằng này, do giao nhầm đất rừng nên thu nhập gia đình không biết trông vào đâu”, ông Chữ nói.
Theo ông Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí, cả 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí có 116 hộ (Giàn Bí có 88 hộ, Tà Lang 28 hộ) được giao đất rừng (mỗi hộ bình quân được giao từ 2-3ha), nhưng có đến 16 hộ (Giàn Bí 11 hộ, Tà Lang 5 hộ) bị rơi vào khu vực rừng có cây lớn, bị cấm sản xuất. Việc giao “nhầm” đất rừng của các cơ quan chức năng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vì không có tư liệu sản xuất khi người dân chủ yếu sống bằng nghề làm rừng. “Nếu có đất rừng, các hộ dân trồng cây, ít năm sau thu về mấy chục triệu đồng để cải thiện cuộc sống gia đình. Thôn đã nhiều lần kiến nghị, nhưng cấp trên cứ bảo chờ, nhưng chẳng biết đến khi nào được giải quyết”, ông Như nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, đối với việc cấp sai đất rừng cho 16 hộ dân ở Tà Lang và Giàn Bí tương đương 54ha đất rừng, ban đầu khi tiến hành thủ tục cấp đất rừng cho dân, quá trình khảo sát thì được cho là đủ điều kiện cấp cho dân sản xuất, nhưng thực tế khi người dân đi vào sản xuất, trong quá trình phát dọn, phát hiện ra một số cây gỗ lớn có đường kính trên 20cm, nên xã và cơ quan chức năng không cho người dân phát dọn để giữ lại rừng. “Tuy nhiên, người dân có ý kiến nếu giữ lại phần diện tích đất rừng đó thì phải có phương án đổi lại phần diện tích khác hoặc có chế độ chính sách hợp lý. Vừa qua, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về làm việc liên quan đến việc cấp “nhầm” đất rừng cho người dân. Theo đó, sẽ tìm phần diện tích khác hoán đổi cho người dân. Nhưng thực tế với 54ha đất rừng hiện nay không dễ tìm quỹ rừng giao khoán để thay thế”, ông Nam nói. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho biết, UBND huyện đã có văn bản đề xuất thành phố quy hoạch lại cho người dân chỗ khác thay thế, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT, sở đã có chủ trương rà soát lại phần diện tích đất rừng được giao này để đưa vào khoanh nuôi, xúc tiến phát triển làm giàu rừng. Việc giao sai phần rừng có cây lớn (rừng giàu), một phần do nhu cầu giao cho đủ diện tích nên dẫn đến có những sai sót nhất định. “Sai thì sẽ điều chỉnh lại, rừng vẫn còn đấy chứ không mất đi đâu. Đối với những hộ dân này, sẽ giao lại cho chính họ phần diện tích này để làm công tác bảo vệ rừng, tạo môi trường rừng bền vững theo chủ trương của thành phố. Qua kiểm tra thực tế, cũng có số hộ dân được giao đất rừng, nhưng đã bán lấy tiền tiêu xài, chứ chẳng chăm lo phát triển rừng như mục đích được giao rừng. Quan điểm là điều chỉnh lại, phát triển rừng gỗ lớn, chứ hạn chế làm kinh tế rừng, không để mất rừng”, ông Ban nói.
Trong khi đó, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố thừa nhận trong quá trình thẩm định rừng để giao đất cho người dân có xảy ra những sai sót, hạn chế. “Dĩ nhiên cũng có cái sai nhất định mới phát sinh “giao sai” đối với diện tích rừng có cây gỗ lớn. Về quy trình, huyện làm đề án giao rừng trình thành phố, thành phố giao cho Sở NN&PTNT, sở giao cho Chi cục Kiểm lâm thẩm định. Quá trình thẩm định có sự kết hợp giữa Chi cục và đại diện chính quyền địa phương. Tuy nhiên, còn những hạn chế nhất định, anh em có khi cũng đi không đến nơi đến chốn do điều kiện cả hàng trăm héc-ta rừng, cũng khó phát hiện hết lượng cây lớn tự nhiên lẩn khuất trong cây bụi. Sau khi phát hiện, Chi cục Kiểm lâm buộc dừng lại, khoanh nuôi để làm giàu rừng”, ông Phương nói.
Rõ ràng việc sai sót trong quá trình thẩm định đất rừng trước khi giao cho người dân đã rõ, nhưng giải pháp tháo gỡ để người dân sớm ổn định cuộc sống, đến nay qua gần 2 năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến người dân nhiều lần bức xúc, kiến nghị lên các cấp.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY