Hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống

.

Theo các hộ, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm truyền thống, đặc sản, đặc trưng của Đà Nẵng, một trong những khó khăn hiện nay là việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị và hệ thống các chợ… thì việc đẩy mạnh ra các thị trường ngoài địa phương đang là trăn trở lớn.

Sản phẩm truyền thống của Đà Nẵng cần được quan tâm, quảng bá hơn nữa nhằm mở rộng đầu ra.  Trong ảnh: Một góc chưng mắm của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (quận Liên Chiểu).                                           Ảnh: K.HÒA
Sản phẩm truyền thống của Đà Nẵng cần được quan tâm, quảng bá hơn nữa nhằm mở rộng đầu ra. Trong ảnh: Một góc chưng mắm của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (quận Liên Chiểu). Ảnh: K.HÒA

Ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương: Cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm truyền thống

Tôi nhận thấy hiện nay, thành phố Đà Nẵng chưa có sản phẩm nào được hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý trong khi nhiều địa phương khác đã làm tốt công việc này. Chỉ dẫn địa lý được xem như một giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, trong đó có các sản phẩm truyền thống phát triển thị trường, nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý còn giúp cho du khách biết đến sản phẩm truyền thống của địa phương nhanh và nhiều hơn.

Đặc biệt, với một thành phố du lịch phát triển mạnh như Đà Nẵng thì nên quan tâm, hỗ trợ để xây dựng ít nhất một sản phẩm đạt các tiêu chuẩn để làm chỉ dẫn địa lý và xem đó như sản phẩm đặc trưng của địa phương ví dụ như sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô, nếu được xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần phát triển làng nghề mạnh mẽ hơn.

Ông Huỳnh Đức Sol, Giám đốc Cơ sở sản xuất bánh khô mè “Bà Liễu Mẹ”: Quan tâm quảng bá hơn nữa cho sản phẩm của địa phương

Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành và địa phương cùng việc không ngừng đầu tư đổi mới mẫu mã, chất lượng, sản phẩm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, 80% sản lượng được cung ứng cho các cửa hàng cửa hiệu đặc sản, chợ, các công ty du lịch… trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa thể vươn khỏi tầm địa phương do công tác quảng bá chưa thực sự được triển khai tốt.

Trong năm 2019, chúng tôi được tham gia đoàn xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức tại Lào và Thái Lan. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa đối với một đơn vị sản xuất sản phẩm truyền thống như chúng tôi. Chính vì vậy, ngoài nỗ lực của đơn vị, chúng tôi rất mong các ngành chức năng, địa phương quan tâm, hỗ trợ hơn nữa trong việc truyền thông quảng bá về sản phẩm cũng như kết nối giao thương để đẩy mạnh việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời giúp cho doanh nghiệp có mặt bằng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phạm Thị Hải, Chủ Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Sơn Hải: Đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn

Nhiều năm nay, mặc dù quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã triển khai, nhưng việc quy hoạch khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn nhằm phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ vẫn còn kéo dài. Chúng tôi kỳ vọng khu danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ góp phần thúc đẩy, tạo giao thương mạnh mẽ hơn cho nguồn hàng được sản xuất từ làng nghề.

Hiện nay, sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề đá Non Nước chịu sức ép cạnh tranh lớn từ nguồn hàng từ Trung Quốc, nếu không hỗ trợ chúng tôi trong việc tìm đầu ra thì số lượng người bỏ nghề sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ quảng bá về làng nghề nhiều hơn nữa để đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến và bố trí lại mặt bằng hợp lý hơn cho việc sản xuất, trưng bày lẫn kinh doanh sản phẩm.

HOÀNG LINH (ghi)

;
;
.
.
.
.
.