Kiểm tra sau thông quan: Quản lý kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp

.

Theo Cục Hải quan thành phố, thời gian qua, việc áp dụng nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Kiểm tra sau thông quan giúp doanh nghiệp nâng cao ý thức pháp luật.
Kiểm tra sau thông quan giúp doanh nghiệp nâng cao ý thức pháp luật.

Năm 2019, nét nổi bật trong công tác KTSTQ của Tổng cục Hải quan là không giao chỉ tiêu số thu, nhưng phải bảo đảm phân loại đánh giá DN trên cơ sở áp dụng biện pháp kiểm tra, quản lý hải quan phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho DN chấp hành pháp luật hải quan. Tính đến ngày 31-5-2019, Cục Hải quan thành phố đăng ký kiểm tra 18 cuộc (trong đó 3 cuộc tại trụ sở hải quan) với số thu tối thiểu 7 tỷ đồng. Đến nay, Cục Hải quan thành phố hoàn thành 14 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan, thu nộp ngân sách 3,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Rân, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ cho biết, qua kiểm tra cho thấy, DN thường mắc các lỗi như: khai sai tên hàng, mã số hàng hóa xuất nhập khẩu, cấp bị lỗi về chữ ký số; khai sai các điều kiện được hưởng ưu đãi để trốn thuế; khai sai định mức (đối với hàng gia công). Khi phát hiện DN có sai sót, công chức hải quan phải giải thích rõ; đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho DN giải trình và tự nguyện nộp đủ thuế. Song song đó, công tác đốc thu cũng được thực hiện bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, giúp DN hiểu rõ về nghĩa vụ nộp thuế cũng như hậu quả của việc kéo dài nợ thuế. Nhờ đó, các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đều được DN tự nguyện nộp đầy đủ vào ngân sách, không để phát sinh nợ mới, cũng không phát sinh khiếu nại kéo dài.

Qua kiểm tra, ý thức tuân thủ pháp luật của DN trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng, số thu thuế KTSTQ giảm nhiều qua từng năm. Thông qua công tác KTSTQ, ngành hải quan đã cảnh báo các dấu hiệu vi phạm thường phát sinh để xây dựng các danh mục rủi ro; thông báo cho bộ phận thông quan các dấu hiệu vi phạm mới phát sinh để chủ động ngăn chặn ngay khi DN khai báo hải quan, tránh để hậu quả lâu dài, gây khó khăn trong xử lý cho cả DN và cơ quan hải quan.

Tính đến tháng 6-2019, toàn thành phố có 745 DN đang làm thủ tục hải quan tại Cục Hải quan thành phố. Trong đó, 665 DN có trụ sở tại thành phố (chiếm 89%), 80 DN là chi nhánh tại thành phố Đà Nẵng (chiếm 11%).

Ông Hoàng Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch men Cosevco cho rằng, KTSTQ là việc cơ quan hải quan kiểm tra tính trung thực, chính xác, sự hợp lý của các thông tin mà DN đã khai báo với cơ quan hải quan khi mở tờ khai (hàng hóa đã được thông quan). KTSTQ giúp mang lại cho DN nhiều lợi ích như: rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu chỉ còn 1 ngày (trước đây 2-3 ngày), thời gian trung bình từ khi DN đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan với hàng hóa xuất khẩu là 4 giờ đồng hồ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục Hải quan cũng nhìn nhận, việc KTSTQ cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như cơ sở dữ liệu thông tin chưa đáp ứng tốt công tác thu thập thông tin, lựa chọn đối tượng kiểm tra, đặc biệt là trong kiểm tra về trị giá và loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu. Ngoài ra, khi cơ quan hải quan vào KTSTQ, nhiều DN viện lý do đã được các cơ quan khác kiểm tra nên viện dẫn quy định tại Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 để xin hoãn hoặc dừng KTSTQ.

Theo bà Trương Thị Phương Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood, chỉ những DN có sai phạm mới không hợp tác để KTSTQ; còn thực hiện tốt hoạt động KTSTQ không chỉ hướng DN tuân thủ pháp luật, mà còn góp phần đấu tranh với gian lận, buôn lậu và bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng cho các DN hoạt động chân chính.

Ông Nguyễn Hữu Rân cho hay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của DN, thời gian tới Chi cục KTSTQ tiếp tục yêu cầu các đơn vị chủ động tăng cường thu thập, phân tích thông tin, rà soát (trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro) các DN trọng điểm, địa bàn trọng điểm; các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao, các trường hợp nghi ngờ về mã số, trị giá. Bên cạnh đó, công tác KTSTQ sẽ chú trọng thu thập thông tin, phân tích rủi ro, kiểm tra các DN, tập đoàn lớn, các DN, mặt hàng có rủi ro cao chưa được KTSTQ tại DN trong các năm gần đây; trong đó, lựa chọn các trường hợp đặc biệt rủi ro thực hiện KTSTQ mỗi năm 1 lần; các trường hợp rủi ro cao kiểm tra 2 năm/lần và các trường hợp rủi ro trung bình kiểm tra 3 năm/lần

Bài và ảnh: MINH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.