Hệ lụy từ khai thác khoáng sản

.

Một số doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang tập trung khai thác đất, đá theo kiểu tận thu, thiếu trách nhiệm với cộng đồng sau khai thác, gây ra nhiều hệ lụy khó giải quyết, khiến người dân bức xúc kéo dài.

Hàng chục ha đất nông nghiệp ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bị bỏ hoang do hậu quả từ việc khai thác khoáng sản để lại, nhưng đến nay vẫn chưa được cải tạo, phục hồi môi trường.
Hàng chục ha đất nông nghiệp ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bị bỏ hoang do hậu quả từ việc khai thác khoáng sản để lại, nhưng đến nay vẫn chưa được cải tạo, phục hồi môi trường.

Ông Võ Trung (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) bức xúc cho rằng, cuộc sống của gia đình ông chỉ trông chờ vào mấy sào lúa ở cánh đồng Hố Trâu. Nhưng kể từ khi có DN khai thác khoáng sản đến khai thác đá, đất đã làm “bức tử” ruộng đồng của người dân. Chỉ hơn 10 năm khai thác khoáng sản, đất, đá đã đổ ào về lấp hết mương thoát nước, ruộng đồng không thể trồng cây.

Theo ông Trung, khi đất ruộng bỏ hoang, các chủ mỏ khai thác khoáng sản hằng năm cũng hỗ trợ tiền cho các hộ dân trong thôn với mức ban đầu từ vài trăm ngàn đồng/sào/năm, sau kiến nghị nhiều lần mới nâng lên mức 1,2 triệu đồng/sào/năm. Cùng thôn với ông Trung, bà Lê Thị  Hoa có gần 4 sào ruộng cũng bị bỏ hoang cả chục năm nay do khai thác khoáng sản. Bà Hoa cho biết, khi ruộng không sản xuất được, gia đình bà cũng được nhận tiền hỗ trợ như ông Trung, nhưng nay bà và hàng chục hộ dân trong thôn có đất bị ảnh hưởng do khai thác khoáng sản không còn nhận được tiền nữa vì các mỏ đá, mỏ đất đã đóng cửa.

Ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận cho biết, cả thôn có gần 190 hộ dân thì gần 15% là hộ nghèo. Trong hơn 10 năm qua, bao quanh thôn Phước Thuận là hơn chục mỏ khai thác đất, chế biến đá, nhìn lên ngọn núi đầu thôn, ngày xưa xanh mướt bởi cây lá, bây giờ bị cạo trọc, nham nhở, chỉ còn màu vàng ố. Không những thế, việc khai thác khoáng sản kéo dài nhiều năm nay, đã làm hơn 20ha ruộng màu mỡ, nuôi sống cả thôn đã bị bồi lấp, trở nên khô cằn, không thể trồng cây gì nữa.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho rằng, điều mà chính quyền địa phương lo lắng là sau khi đơn vị khai thác khoáng sản rút đi, đất nông nghiệp bỏ hoang của người dân sẽ được xử lý như thế nào khi người dân không còn nhận được tiền hỗ trợ của các đơn vị khai thác khoáng sản như trước đây.

Theo ông Phát, qua rà soát, đến nay toàn xã Hòa Nhơn có gần 35ha đất nông nghiệp không thể sản xuất được do hoạt động khai thác khoáng sản làm bồi lấp. Có 10 cánh đồng của 4 thôn (gồm Phước Thuận, Phước Hậu, Thạch Nham Ðông và Hòa Khương Ðông) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các DN chỉ khắc phục hậu quả bằng cách hỗ trợ tiền mùa vụ cho người dân hằng năm. Riêng tại cánh đồng Hố Rái (thôn Phước Thuận), số tiền hỗ trợ của các đơn vị khai thác khoáng sản chưa tương xứng so với thiệt hại do đất không thể canh tác được.

“Trong giai đoạn 2013-2017, người dân cánh đồng Hố Rái chưa nhận được tiền chi trả hỗ trợ vụ mùa của 4 DN gồm: Công ty CP Vật liệu xây dựng Fococev, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Đại Hồng Tín, Công ty TNHH Phúc Đạt và Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh, với số tiền gần 500 triệu đồng. Điều đáng nói là số DN nợ tiền hỗ trợ của người dân đang thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, khiến người dân bức xúc lo lắng”, ông Phát cho biết.

Ông Huỳnh Văn Thới, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang cho biết, qua giám sát của HĐND huyện Hòa Vang vào tháng 4-2019 cho thấy, hiện riêng tại thôn Phước Thuận, các đơn vị khai thác khoáng sản còn nợ tiền hỗ trợ người dân lên đến gần 340 triệu đồng. HĐND huyện đã đề nghị UBND huyện có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản khẩn trương nộp tiền hỗ trợ người dân đúng hạn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trên địa bàn thành phố còn nhiều địa phương có DN được cấp giấy phép khai thác khoáng sản như: xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), các phường Hòa An, Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Ðông (quận Cẩm Lệ), Hòa Minh, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố, tính đến tháng 2-2019, toàn thành phố có 29 mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Trong đó, 4 mỏ đá xây dựng đang lập hồ sơ gia hạn; 25 mỏ có giấy phép đang còn hiệu lực, gồm 21 giấy phép khai thác đá, còn lại là khai thác đất đồi, cát sông và vàng gốc. Các DN đã đóng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hơn 24,2 tỷ đồng. Một số DN nghiêm túc chấp hành đúng tiến độ nộp tiền ký quỹ theo quy định, nhưng không ít DN cố tình vi phạm hợp đồng ký quỹ, bỏ lại những quả đồi bị đào xới nham nhở.

Trước thực trạng này, từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra với sự tham gia của chính quyền cơ sở, đơn vị liên quan trong công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt theo đề án đóng cửa mỏ. Trong năm 2018, các đoàn giám sát đã kiểm tra 22 mỏ, mới có 6 mỏ hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường, một số mỏ đang triển khai và vẫn còn bốn mỏ chưa triển khai cải tạo môi trường.

Thanh tra Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 450 triệu đồng đối với 8 đơn vị về hành vi khai thác vượt công suất thiết kế, đồng thời xử lý vi phạm đối với các đơn vị chưa chấp hành nghiêm nội dung của đề án và chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng, để tránh tình trạng các đơn vị khai thác khoáng sản khi đóng cửa mỏ để lại hệ lụy cho môi trường và đời sống người dân, trong thời gian tới, ngành TN&MT thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các mỏ đã và đang tiến hành công tác cải tạo, phục hồi môi trường để bàn giao cho địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nơi có các đơn vị khai thác khoáng sản làm việc với các đơn vị khai thác khoáng sản còn nợ tiền hỗ trợ của người dân để xử lý dứt điểm.   

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.