Sáng 4-7, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Hội Kiến trúc sư (KTS) thành phố tổ chức tọa đàm “Kiến trúc cao tầng ven biển” với mục tiêu nhận diện “Không gian cảnh quan và kiến trúc đô thị ven biển - Tầm nhìn và giải pháp” để Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm tập trung góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, một thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045. Theo GSTS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, đô thị Đà Nẵng có vị trí đẹp bên sông Hàn và bên bờ Biển Đông với nhiều cảnh quan nổi tiếng.
Những năm gần đây, Đà Nẵng được coi là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố cũng bộc lộ những hạn chế biểu hiện trước mắt và tiềm ẩn những hệ lụy trong tương lai. Cụ thể, việc đô thị phát triển nhanh trong khi chưa thực sự khai thác hết lợi thế từ điều kiện cảnh quan tự nhiên, xu hướng xây dựng dàn trải với kiến trúc thấp tầng… đã khiến hiệu quả sử dụng đất thấp, dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ…
Để thực sự trở thành một thành phố biển đáng sống, có đẳng cấp của khu vực, Đà Nẵng chắc chắn phải lựa chọn mô hình cấu trúc không gian đô thị mới, vừa cho phép khắc phục những hạn chế của quá trình phát triển đã qua, vừa bảo đảm phát triển không gian đô thị có chất lượng bền vững và có bản sắc trong tương lai. Trong đó, không gian đô thị ven sông, biển với kiến trúc cao tầng là một trong những nội dung có tầm quan trọng nhất định đối với chất lượng môi trường sống và hình ảnh đô thị của Đà Nẵng.
Các ý kiến cũng đề cập những vấn đề như: phát triển kiến trúc cao tầng, ngay cả đối với đô thị biển là xu hướng tất yếu trên thế giới; bên cạnh nhu cầu tất yếu là tiếp cận biển của cộng đồng dân cư thông qua các không gian công cộng, thì tính chất sống động của một đô thị (cuộc sống đô thị) thông qua sự đa dạng và hỗn hợp chức năng của các tổ hợp công trình, trong đó có các kiến trúc cao tầng, đối với đô thị du lịch nghỉ dưỡng… liệu có cần?
Đối với Đà Nẵng, mô hình đô thị nào là phù hợp, nhất là khu vực bãi biển phía đông thành phố, để cho phép phát triển kiến trúc cao tầng mà vẫn tạo được cuộc sống đô thị và đồng thời bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên chủ đầu tư, chính quyền và cộng đồng dân cư đô thị; khai thác những giá trị cảnh quan tự nhiên ngoài biển (sông và đầm phá) để tạo nên bản sắc của không gian kiến trúc đô thị và thành phố có đủ điều kiện trở thành thành phố xanh...
TRIỆU TÙNG