Cần các tiêu chí nhận diện và bảo vệ cụ thể hơn cho hàng Việt

.

Khi hàng “made in Vietnam” đã và đang tạo được chỗ đứng trên thị trường, thì các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng bày tỏ mong muốn các ngành chức năng cần đưa ra được những tiêu chí cụ thể hơn để góp phần giúp nhận diện hàng Việt “chính hãng” cũng như giải pháp bảo vệ cho sản phẩm thuần Việt.

Cần có tiêu chí cụ thể và tuyên truyền mạnh hơn về các sản phẩm, thương hiệu thuần Việt. Trong ảnh: Sản phẩm cà-phê sạch Mayaca của Công ty TNHH Cà-phê Mayaca Đà Nẵng.
Cần có tiêu chí cụ thể và tuyên truyền mạnh hơn về các sản phẩm, thương hiệu thuần Việt. Trong ảnh: Sản phẩm cà-phê sạch Mayaca của Công ty TNHH Cà-phê Mayaca Đà Nẵng.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ: Cần có tiêu chí cụ thể hơn về hàng “made in Vietnam”

Lâu nay, khái niệm hàng Việt Nam được hiểu là hàng do các đơn vị, cơ sở, DN của nước ta sản xuất ra, xuất xứ nguyên liệu hoàn toàn trong nước. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cách hiểu chung chung, thực tế chưa có những dấu hiệu nhận biết được đưa ra nhằm giúp người dân hiểu rõ như thế nào là hàng Việt Nam, đặc điểm nhận diện hàng Việt Nam là gì…

Cần phân biệt rõ “nguồn gốc xuất xứ” hay “thương hiệu” trong việc định vị hàng Việt, bởi lẽ thực tế, sản phẩm thuần Việt từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến ra thành phẩm chưa có nhiều. Hiện nay, việc nhận diện hàng Việt hầu như chỉ dựa vào các tên tuổi, thương hiệu Việt đã được xây dựng bấy lâu nay như: nói đến bút, mực người ta sẽ nghĩ đến sản phẩm của thương hiệu Thiên Long, Bến Nghé; hàng may mặc có May 10, Hòa Thọ...; rau củ quả Đà Lạt, Lâm Đồng...; bánh kẹo Hải Hà, Kinh Đô...

Người dân hầu như chưa được cập nhật nhiều những thông tin về các sản phẩm, thương hiệu thuần Việt, nhất là những thương hiệu mới. Có một lượng hàng Việt khác vẫn tồn tại và phát triển mạnh ở thị trường hiện nay đó là hàng hóa do các cơ sở nhỏ sản xuất ra, thường tiêu thụ ở các chợ truyền thống... Nhưng vấn đề là những mặt hàng này thường không được bảo hộ về nhãn mác, sở hữu trí tuệ, xuất xứ của nguyên liệu làm nên thành phẩm cũng không được kiểm chứng.

Tôi nghĩ rằng, cần đưa ra bộ tiêu chí xác định rõ như thế nào là hàng Việt với các quy định chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, kiểm định chất lượng, công bố danh sách các thương hiệu được công nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”…

Trong đó, việc cấp chứng nhận hàng Việt phải được làm bài bản, cẩn trọng, không để DN lợi dụng mác hàng chất lượng cao nhưng bán hàng dỏm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần thông thái hơn trong việc lựa chọn hàng hóa. Đồng thời, công tác tuyên truyền về hàng Việt phải mạnh mẽ hơn nữa, nhất là thường xuyên cập nhật những thương hiệu, sản phẩm thuần Việt mới nhằm giúp người dân nhận biết và ủng hộ hàng Việt nhiều hơn.

Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Cà-phê Mayaca Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nhân trẻ hiểu rõ các tiêu chí khi xây dựng thương hiệu Việt

Là người Việt, ai cũng mang tâm lý ủng hộ để làm nên những sản phẩm thuần Việt có chất lượng cao nhằm nâng tầm uy tín của hàng nội địa. Để được như vậy, những DN nhỏ như chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, sự quan tâm của các ngành chức năng để kiên trì mục tiêu sản xuất hàng Việt. Ngoài nỗ lực, ý thức và cái “tâm” hành nghề của người kinh doanh, còn cần đến sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của các ngành chức năng trong việc xây dựng thương hiệu.

Chính thương hiệu sản phẩm Việt là con đường tốt nhất để đem sản phẩm ra với thị trường trong và ngoài nước. Do đó, các bộ, ngành cũng cần hướng dẫn, hỗ trợ tuyên truyền cụ thể cho DN hiểu rõ hơn về các quy định, tiêu chí để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng đủ yêu cầu công nhận là “hàng Việt” hay “hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế: Khái niệm “hàng Việt” có vai trò rất quan trọng

Trong xu thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc ban hành các tiêu chí cụ thể, rõ ràng nhằm làm rõ “khái niệm hàng Việt Nam” đóng vai trò hết sức quan trọng để giúp cho hàng Việt có được sự bảo hộ uy tín, DN yên tâm sản xuất và kinh doanh.
Thực tế, việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là động thái tích cực và kịp thời khi Nhà nước nhìn thấy được những nguy cơ mà hàng Việt sẽ phải đối mặt khi đất nước mở cửa hội nhập.

Qua 10 năm triển khai cuộc vận động, người tiêu dùng đã dần ý thức hơn trong việc sử dụng hàng Việt, DN sản xuất hàng Việt cũng tự tin hơn để cạnh tranh trên chính “sân nhà” với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị làm ăn chân chính, tạo ra những sản phẩm thuần Việt với chất lượng không ngừng được cải tiến thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn ra rất nhiều.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của hàng Việt cũng như làm sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, cùng với việc ban hành bộ tiêu chí giúp nhận diện chính xác hàng Việt thì các cấp, ngành quản lý cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền về thương hiệu, sản phẩm Việt uy tín.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.