Cân nhắc kỹ khi đưa hộ kinh doanh vào áp dụng theo Luật Doanh nghiệp

.

Sáng 16-10, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Trong đó, về hộ kinh doanh (bổ sung Chương VIIa dự thảo luật), một số ý kiến nhất trí với dự thảo luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, bổ sung các quy định làm rõ các quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để bảo đảm tính pháp lý của hộ kinh doanh và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế.

Một số ý kiến băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật do quy định tại Điều 187d chưa làm rõ các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện. Có ý kiến cho rằng về bản chất hộ kinh doanh không khác gì doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ. Đã đến lúc cần xem xét lại khái niệm để tạo điều kiện cho chủ thể này tiếp tục phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, có một thực tế là nhiều hộ kinh doanh những mặt hàng đơn giản, khai thác được lợi thế của hộ, không muốn thành lập doanh nghiệp. “Bây giờ luật đưa các hộ cá thể phát triển thành doanh nghiệp và khi đã là doanh nghiệp thì phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, hộ cá thể họ không đồng tình”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.  

Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Khi đưa hộ kinh doanh cá thể vào thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và phát triển hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp, cần đánh giá tác động như thế nào. Việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này bổ sung 1 chương, sửa 66 điều, bỏ 2 điều thì cần phải làm rõ những điều cần sửa. Khi đủ điều kiện đưa ra Quốc hội thảo luận”.

Kết luận phiên thảo luận Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Qua tờ trình của Chính phủ, nhận thấy Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết. Tuy nhiên cần làm rõ sự cần thiết sửa những điều nào trong luật để tránh sự thiếu thống nhất, xung đột, chồng chéo. Những điều cần bãi bỏ thì vì sao bỏ, Ban soạn thảo cần đưa ra lý lẽ cụ thể. Cần cân nhắc kỹ khi đưa hộ kinh doanh vào áp dụng theo Luật Doanh nghiệp bởi nó có tác động tới hàng triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.