Với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ- trong đó có du lịch, ngành du lịch Đà Nẵng đã có bước phát triển khá nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự tăng trưởng của thành phố và làm thay đổi diện mạo đô thị.
Du lịch Đà Nẵng thu hút nhiều nguồn lực đầu tư và thực sự trở thành ngành có giá trị gia tăng cao; hướng tới mục tiêu xây dựng hệ sinh thái du lịch theo hướng phát triển bền vững.
Bài 1: Du lịch tăng trưởng ấn tượng
Đà Nẵng trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: THU HÀ |
Với định hướng đúng đắn và thu hút đầu tư hiệu quả, các sản phẩm du lịch của thành phố ngày càng đa dạng và nâng cao chất lượng. Nhiều khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đã được xây dựng mới. Lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh, thúc đẩy doanh thu du lịch tăng cao, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong giai đoạn từ 1997-2008, ngành du lịch Đà Nẵng có những bước phát triển nhanh chóng; nhất là từ sau năm 2003, khi trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia, Đà Nẵng khai thác những thế mạnh, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển du lịch. Đó chính là việc hiện thực hóa chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng tỷ trọng dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch.
Từ đó, nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước được thu hút gắn với định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Qua đó, hệ thống cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, du lịch Đà Nẵng đã phát triển thực sự khởi sắc và ấn tượng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục phát triển với việc hình thành hệ thống các khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp 5 sao ven biển và các khách sạn cao cấp 3-5 sao trong thành phố và các khách sạn tiêu chuẩn 1-2 sao, đáp ứng nhu cầu từ khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đến khách công vụ, khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (MICE), khách vãng lai.
Theo thống kê, năm 2011, toàn thành phố Đà Nẵng chỉ có 260 cơ sở lưu trú với 8.736 phòng thì đến năm 2017 đã tăng lên 693 cơ sở lưu trú với 28.780 phòng. Đến nay, Đà Nẵng có 813 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 100 cơ sở so với năm 2018) với hơn 36.000 phòng.
Dự kiến, với số lượng du khách tăng nhanh, cuối năm 2019 thành phố sẽ có 900 cơ sở với khoảng 39.000 phòng. Theo Hiệp hội Khách sạn thành phố cho biết, giai đoạn 2018-2019, các cơ sở lưu trú ở thành phố tăng trưởng rất mạnh so với những năm trước, trung bình mỗi năm tăng khoảng 86 cơ sở với 6.000 phòng.
Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới và trong nước đã có mặt tại Đà Nẵng như: InterContinental, Novotel, Hyatt, Vinpearl, Pullman, Hilton, Sheraton… Hàng loạt công trình lớn về du lịch được hoàn thành, đưa vào hoạt động như Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Khu giải trí Helio Center, khu du lịch suối khoáng nóng núi Thần Tài…
Các sản phẩm du lịch ở thành phố ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng. Nhiều khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp và bổ sung thêm nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Du lịch nghỉ dưỡng biển được phát triển theo hướng mở rộng cung ứng các dịch vụ vui chơi thể thao biển như cano, dù kéo, jetsky, kayak, lặn biển… kết hợp với hàng loạt các khu nghỉ mát, biệt thự cao cấp dọc tuyến biển cung cấp những dịch vụ ngày càng hoàn thiện cho du khách.
Việc khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế góp phần thúc đẩy du lịch của thành phố. Ảnh: Nguyễn Xuân Tư |
Thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của thành phố.
Với sự đầu tư từ hệ thống lưu trú, các điểm tham quan, giải trí, các sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Trong 9 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến thành phố ước đạt 7,2 triệu lượt, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2018, tổng doanh thu du lịch ước đạt 25.311 tỷ đồng, bằng 92,4% kế hoạch, tăng 20,7%.
Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 17.673,4 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018. Bình quân số ngày lưu trú của khách trong nước là 1,68 ngày/lượt, khách quốc tế là 1,86 ngày/lượt. Với sự phát triển của du lịch đã góp phần nâng tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2019 đạt 21.194 tỷ đồng, đạt 77,4% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 18.306 tỷ đồng, đạt 77,9% dự toán.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, có được những bước phát triển vượt bậc đó, chính là từ chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố từ công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp sang dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Trên cơ sở đó, ngành du lịch Đà Nẵng tập trung phát triển theo chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao.
Ngành ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính, gồm nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển. Sự phát triển của ngành du lịch tác động góp phần tạo việc làm, an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhân lực phục vụ ngành du lịch của Đà Nẵng ngày càng tăng, với mỗi năm tăng trung bình 2.000 lao động trực tiếp.
Năm 2011, tổng thu du lịch đạt 4.600 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt 12.800 tỷ đồng. Năm 2016, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt 5,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,67 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 16.082,8 tỷ đồng. Năm 2017, tổng lượt khách đạt 6,6 triệu lượt, tổng thu du lịch ước đạt 19.403 tỷ đồng. Năm 2018, tổng lượt khách đạt 7,66 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 24.060 tỷ đồng, tăng 23,3%. |
PHÒNG KINH TẾ