Hướng đến xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững - Bài 2: Nhà đầu tư nâng tầm du lịch Đà Nẵng

.

Thời gian qua, Đà Nẵng tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng; tổ chức quy hoạch không gian đô thị để thu hút đầu tư phát triển, trong đó đáng chú ý là đầu tư cho du lịch. Hàng loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chọn Đà Nẵng làm điểm đến đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch, hình thành một hệ sinh thái du lịch đẳng cấp.

Tỷ phú người Anh Joe Lewis ghé thăm Đà Nẵng bởi ông từng “choáng ngợp” về những thông tin, hình ảnh của cầu Vàng trên các phương tiện truyền thông quốc tế.               Ảnh: TRIỆU TÙNG
Tỷ phú người Anh Joe Lewis ghé thăm Đà Nẵng bởi ông từng “choáng ngợp” về những thông tin, hình ảnh của cầu Vàng trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì cũng là thời điểm Khu du lịch Furama Resort tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên ở Đà Nẵng đi vào hoạt động. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển “resort” có tầm cỡ quốc tế đầu tiên xuất hiện tại miền Trung.

Trong thời gian ngắn, thương hiệu “Furama Resort” đã trở nên quen thuộc với thị trường du lịch trong và ngoài nước. Furama Đà Nẵng còn là thành viên của Tổ chức khách sạn cao cấp quốc tế Worldhotels với 500 thành viên trên toàn thế giới với các văn phòng kinh doanh ở trên 20 nước.

Hiện Furama tiếp tục được đầu tư nâng cấp trở thành tổ hợp du lịch đẳng cấp mà điểm nhấn về hạ tầng là Cung Hội nghị quốc tế Ariyana.

Với lợi thế cảnh quan tự nhiên, tài nguyên du lịch biển, tuyến đường ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc được triển khai xây dựng vào năm 2002. Đây là chủ trương đột phá của chính quyền thành phố trong phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Sức đầu tư phát triển hạ tầng cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch đã làm cho tuyến đường ven biển này trở nên hấp dẫn trên bản đồ du lịch.

Hàng loạt các dự án đầu tư phát triển du lịch quy mô lớn được triển khai và đưa vào khai thác như Hyatt Rengency Danang Resort and Spa tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng; khu du lịch biển và sân golf  Vinacapital hơn 2.000 tỷ đồng; khu du lịch và giải trí quốc tế Silver Shore 2.713 tỷ đồng; các dự án DAP 2.400 tỷ đồng, Inter Continental Danang Resort 2.000 tỷ đồng, Vinpearl Đà Nẵng Resort và Residences 2.200 tỷ đồng…

Nhờ đó, chỉ riêng các phòng khách sạn 4-5 sao tại Đà Nẵng đã đem đến doanh thu hơn 10% GRDP của thành phố, tương đương với hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2018.

PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong nhiều lần đến công tác tại Đà Nẵng cho rằng: “Tham chiếu vào nền kinh tế Đà Nẵng, du lịch Đà Nẵng đã thực sự thành công bằng các nguồn lực thu hút đầu tư”.

Đi sau làn sóng đầu tư lần thứ nhất tại thành phố từ nguồn đầu tư nước ngoài thông qua Tập đoàn Indochina, VinaCapital là làn sóng đầu tư trong nước đã làm cho du lịch Đà Nẵng thực sự phát triển mạnh mẽ. Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, The Empire, BRG… đã tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, có sức hấp dẫn và lan tỏa, thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước.

Việc Tập đoàn Sun Group chọn Đà Nẵng làm nơi khởi nghiệp đã có tác động lớn cho sự phát triển du lịch Đà Nẵng, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Năm 2009, Khu du lịch Bà Nà Hills đi vào hoạt động trở thành dấu mốc của du lịch thành phố khi thành phố chỉ được coi là một điểm trung chuyển cho du khách tới để sau đó đi Huế hoặc Hội An - các vùng du lịch nổi tiếng. Doanh nghiệp này cũng nâng tầm, đưa sự kiện lễ hội pháo hoa quốc tế trở thành thường niên.

Dự án Khu vui chơi, Tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Cocobay Đà Nẵng của Công ty CP Đầu tư Phát triển và xây dựng Thành Đô (The Empire từ năm 2016 đến nay) đã đưa vào hoạt động gần 2.000 phòng khách sạn, hơn 686 căn hộ, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao được quản lý bởi Tập đoàn Seibu nổi tiếng của Nhật Bản.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã lựa chọn Đà Nẵng để phát triển du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch chủ lực độc đáo, mới lạ mang tầm quốc tế là cú hích đột phá, góp phần đưa Đà Nẵng không chỉ trở thành nơi phải đến của Việt Nam mà còn thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và quốc tế.

Ở đó, du lịch Đà Nẵng cũng xây dựng được thương hiệu riêng như trường hợp Tập đoàn Vicoland ra mắt thương hiệu nghỉ dưỡng Risemount. Ông Bùi Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn Vicoland cho biết, thương hiệu Risemount được xây dựng theo tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế, góp phần giới thiệu du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đà Nẵng đang và sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả du khách quốc tế lẫn nội địa. Sự thành công trong phát triển du lịch Đà Nẵng có yếu tố cơ bản xuất phát từ quan điểm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; việc triển khai các chương trình hành động của chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, người dân Đà Nẵng góp phần gìn giữ, xây dựng hình ảnh thân thiện, mến khách… cũng là yếu tố để nhà đầu tư, khách du lịch lựa chọn nơi đây là điểm đến.

NHÓM P.V KINH TẾ
 

;
;
.
.
.
.
.