JICA: Việt Nam đang giữ vững nhịp độ tăng trưởng vượt trội

.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhận định, Việt Nam đang giữ vững nhịp độ tăng trưởng vượt trội và việc hỗ trợ ODA cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Dây chuyền chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Dây chuyền chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 17-10 tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Họp báo giữa kỳ 2019 báo cáo lại kết quả hợp tác và thông tin về định hướng tiếp cận cho năm tài khóa tiếp theo.

Đề cập tới vai trò của Việt Nam trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ, ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhận định, Việt Nam đang giữ vững nhịp độ tăng trưởng vượt trội. Việc hỗ trợ ODA cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Do đó, JICA đã và đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ mới như hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong “Chương trình chia sẻ kiến thức phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi;" tổ chức Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức Hợp tác công-tư (PPP), Hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử và củng cố an ninh mạng…

Theo ông Konaka Tetsuo, tăng trưởng kinh tế vĩ mô từ đầu năm tới nay của Việt Nam tương đối ổn định. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) được ký kết vào tháng 6/2019 thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Cùng với đó, quan hệ giữa Nhật Bản-Việt Nam tiếp tục phát triển thuận lợi nhất là qua các chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước trong thời gian qua; cũng như nhờ vào các chương trình, dự án hợp tác giữa các địa phương, các tổ chức phi Chính phủ (NGO), các trường đại học của Nhật Bản với các đối tác Việt Nam.

Trong các lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam, JICA đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu hợp tác như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường...

Đánh giá về các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam, ông Konaka Tetsuo cho hay, đã có nhiều dự án ODA mới về hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại do JICA thực hiện được ký kết và đang triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết như một số dự án vốn vay ODA đã được ký kết từ năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện; vấn đề chậm thanh toán trong các dự án đang triển khai…

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ điều này và đang có những nỗ lực để khắc phục bằng cách hoàn thiện thể chế pháp luật có liên quan, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp triển khai dự án…. Đó là những tín hiệu tốt.

Ông Konaka Tetsuo đề nghị, thời gian tới Việt Nam phát huy vai trò tiên phong trong các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC), Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

JICA sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác phát triển nhằm giải quyết các vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi khu vực và quốc tế, theo chiến lược “Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do” và chính sách “Cơ sở hạ tầng chất lượng cao” của Chính phủ Nhật Bản.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.