Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ, Đà Nẵng cần nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, trong đó có nguồn lực từ kinh tế tư nhân trong và ngoài nước nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, hoàn thành được các mục tiêu lớn, mũi nhọn kinh tế đã được đặt ra.
Du lịch là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng với sự đóng góp của kinh tế tư nhân. Trong ảnh: Vào mùa cao điểm khách, mỗi ngày khu du lịch Bà Nà Hills đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi. Ảnh: THU HÀ |
Những hạn chế, bất cập
Mặc dù có nhiều bước phát triển vượt bậc nhưng nền kinh tế tư nhân của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đa số các DN còn quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu; không có nhiều thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia như cao su DRC, dệt may Hòa Thọ, dược phẩm Danapha…; chỉ có khoảng 10% DN có quy mô lớn với đóng góp vào ngân sách thành phố trên 100 tỷ đồng/năm; đa số các DN thực hiện công đoạn có giá trị thấp trong chuỗi giá trị kinh doanh; khả năng lãnh đạo và phát triển nhân sự tại DN cũng chưa được chú trọng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng, việc triển khai các chủ trương, giải pháp vẫn còn thiếu tính quyết liệt và chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, tình trạng xuống cấp về hạ tầng cơ sở ở một số khu công nghiệp đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cũng như môi trường du lịch, đầu tư của thành phố. Ngoài ra, vẫn còn những rào cản về pháp lý và hành chính trong hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân trong khi đó hệ thống luật pháp và chính sách của nước ta còn thiếu minh bạch, nhất quán đã gây khó khăn cho DN và việc thực thi các chính sách tại địa phương.
Ở một khía cạnh khác, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố phân tích rõ một số bất cập mới được nhận diện trong vài năm trở lại đây đối với kinh tế tư nhân của Đà Nẵng là sự bùng nổ của thị trường bất động sản dẫn đến hình thành nên những DN chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, ít chú trọng đến mục tiêu cốt lõi là nâng tầm DN, nâng tầm thương hiệu cũng như không mặn mà với việc đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nhằm hướng đến tính bền vững cho nền kinh tế của địa phương. Thực trạng này không chỉ riêng Đà Nẵng mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Nó tiềm ẩn những rủi ro, hệ lụy vô cùng lớn cho xã hội, an ninh trật tự nếu không tìm ra giải pháp quản lý chặt chẽ. Từ những vấn đề nêu trên, theo ông Hùng, thành phố cần có sự chọn lọc trong thu hút đầu tư nhằm tìm kiếm những “gương mặt” thật sự có tiềm năng và tạo điều kiện cho DN tư nhân của thành phố có cơ hội tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn.
Cần hành động cụ thể, quyết liệt từ thành phố, doanh nghiệp
Bước vào giai đoạn phát triển mới với định hướng từ Nghị quyết số 43-NQ/TW, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” trong sự phát triển của địa phương.
Tại nhiều diễn đàn gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN, doanh nhân trong và ngoài nước, thành phố khẳng định luôn rộng cửa đón chào các nhà đầu tư cũng như tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 số lượng DN trên địa bàn thành phố phát triển tăng thêm bình quân trên 10%/năm; phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ DN vừa, DN lớn, DN có mức nộp thuế trên 500 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm bình quân hằng năm là 31.000 người; tổng vốn đầu tư từ khu vực DN chiếm từ 65-70% tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố; khu vực DN đóng góp khoảng 75-85% tổng thu ngân sách; tốc độ phát triển và đổi mới công nghệ tại các DN tăng 15-20%/năm.
Để đạt được các mục tiêu trên cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn thành phố cho rằng, cần ban hành những giải pháp, cơ chế chính sách với nội dung, chương trình hành động cụ thể, có tính đột phá, đi sâu vào các vấn đề cụ thể, bức xúc bấy lâu nay của DN về đất đai, mặt bằng, vốn, yếu tố pháp lý, tính minh bạch về thông tin, chủ trương của thành phố…
Đồng thời, rốt ráo tìm hướng giải quyết những đề xuất, vướng mắc hợp lý mà DN đã kiến nghị qua các buổi gặp gỡ, đối thoại về môi trường đầu tư, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, nâng cấp hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nguồn nhân lực… có phương án dự báo, giải quyết thấu đáo những bất cập nảy sinh thời gian qua cũng như tầm nhìn trong thời gian tới nhằm tạo được lòng tin trong DN, nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng, trước mắt, thành phố cần đẩy nhanh hoàn thành các khu, cụm công nghiệp mới để DN có mặt bằng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy mới nâng tầm và quy mô của DN để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xu thế phát triển.
Bên cạnh đó, cộng đồng DN, doanh nhân phải chủ động phát huy nội lực, nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng nguồn nhân sự, đầu tư đổi mới công nghệ; người dân cần tích cực ủng hộ hàng Việt Nam để tạo động lực cho DN Việt; tích cực tham gia các hiệp hội để cùng đoàn kết xây dựng sức mạnh tập thể.
Chính quyền các cấp cần đối đãi bình đẳng và minh bạch hơn với DN tư nhân; tin tưởng giao việc cho DN tư nhân địa phương tham gia vào những dự án lớn của thành phố”, ông Phạm Đắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng đề xuất ý kiến.
Ở góc nhìn cụ thể hơn, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, các ngành chức năng cần có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ của địa phương đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch phát triển.
Về phần mình, các DN tư nhân nhỏ và siêu nhỏ của địa phương cần tích cực tham gia các hiệp hội, nghiệp đoàn, hợp tác xã, câu lạc bộ… để cùng hợp tác, phát triển, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm của nhà đầu tư với người dân địa phương cũng như với DN nhỏ và siêu nhỏ tại địa phương để cùng hỗ trợ, phát triển…
KHÁNH HÒA - THU HÀ - MAI QUẾ